chữ “lực” và chữ “lai” địch nhau thành chữ “sắc”. Ghép lại, tờ thiếp có bốn
chữ “Dư bất thụ sắc”, nghĩa là: “Ta không nhận sắc”.
Trịnh Tráng nổi giận, vỗ bàn đứng dậy quên cả tạ ơn cụ Trạng vất vả về
triều. “Hắn ra mặt rồi đây! Phải cho hắn biết tay ta!”
Trong khi đó, tại phủ chúa Sãi, nghe Văn Khuông thuật chuyện, mọi
người phá lên cười. Ai nấy đều khoái trá đã chọc giận được Thanh Đô
Vương Trịnh Tráng, người lúc nào cũng tỏ ra khinh khi chúa Nguyễn.
(Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Chuyện này xảy ra năm 1627 và được ghi
trong sử nhà Nguyễn; có thể người viết sử đã đưa cụ Trạng Bùng vào câu
chuyện cho thêm sinh động, hoặc để thêm phần hài hước mà thôi. Trong
thực tế, Phùng Khắc Khoan đã mất từ nhiều năm trước đó – 1613).
Điểm lại tình hình, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thấy binh đã đủ hùng,
tướng đã đủ mạnh, quân lương đã dư dả, thành lũy đã kiên cố, lòng dân đã
hướng theo nên sẵn sàng bước vào cuộc chiến để “xây cơ nghiệp muôn đời”
như lời cha dặn.
Một mặt tích cực chuẩn bị chiến tranh, mặt khác chúa Sãi chủ trương thân
thiện với các lân bang: gả con gái là quận chúa Ngọc Vạn cho vua Chân
Lạp, quận chúa Ngọc Hoa cho vua Chămpa để kết tình hoà hiếu, tạo điều
kiện cho việc mở rộng lãnh thổ về sau.
∗
∗ ∗
Tháng Mười năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi thấy trong người không được
khỏe, ông cho triệu thế tử Nguyễn Phúc Lan (con trai thứ hai của ông với bà
chính thất Mạc Thị Giai, con gái tướng Kính Điển nhà Mạc) và em ruột là
Nguyễn Phúc Khê vào chầu. Chúa dặn em:
- Ta vâng nối nghiệp trước, chí ta cốt trên giúp nhà vua, dưới cứu sinh
dân. Nay thế tử chưa lịch duyệt, mọi việc lớn quân quốc ta uỷ hết cho hiền
đệ quyết định.
Khê khóc:
- Thần đâu dám không đem hết sức ngựa hèn để lo báo đáp.