những bụi cây xung quanh nhà. Những khóm hồng vừa trồng đã trở thành
những bụi cây lớn, còn cây sơri trước nhà đã thay thế cho một loại cây
cùng họ bị chết từ mười năm trước.
Lúc đến nơi, tôi nghe thấy tiếng nhạc ầm ĩ chói tai dội ra từ ngôi nhà. Tôi
bấm chuông nhiều lần nhưng không hề có tiếng trả lời. Mãi lâu sau mới có
người đi qua đường kêu lên: “Nếu như anh tìm cha Kellergan thì bấm
chuông là vô ích. Ông ấy đang ở trong nhà xe”. Tôi quay sang đập của nhà
xe, đúng là âm nhạc ầm ĩ thoát ra từ đó. Sau khi ngoan cố đập cửa hồi lâu,
rốt cuộc cửa cũng mở, trước mặt tôi là một ông già nhỏ thó, dáng vẻ yếu ớt,
tóc và da xám ngoét, mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo kính bảo vệ mắt.
Đó chính là David Kellergan, tám mươi lăm tuổi.
– Có việc gì thế? Với vẻ dễ mến, ông ta hét lên vì nhạc được mở với âm
lượng không thể chịu nổi.
Tôi buộc phải khom tay lên thành vòm loa để nói sao cho ông có thể
nghe được.
– Tôi tên là Marcus Goldman. Ông không biết tôi nhưng tôi đang điều
tra về cái chết của Nola.
– Anh là cảnh sát à?
– Không, tôi là nhà văn. Ông có thể tắt nhạc hay vặn bé âm lượng xuống
một chút được không?
– Không được. Tôi không tắt nhạc được. Nhưng chúng ta có thể ra ngoài
phòng khách nếu anh muốn.
Ông mời tôi đi qua nhà xe vào phòng khách: căn phòng đã hoàn toàn bị
biến thành xưởng sửa chữa, giữa phòng chễm trệ một chiếc Harley-
Davidson. Trong góc phòng, bộ chơi nhạc đĩa cũ kĩ nối liền với dàn máy
làm toàn bộ âm thanh của bản nhạc jazz nổi lên mạnh mẽ.
Tôi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc gặp không được đón tiếp tử tế. Tôi
nghĩ, sau khi bị cánh nhà báo quấy rầy, hẳn cha Kellergan rất cần được yên
tĩnh; nhưng trái lại, ông tỏ ra rất dễ mến. Dù đã từng đến Aurora nhiều lần,
nhưng tôi chưa bao giờ gặp ông lần nào. Rõ ràng ông hoàn toàn không biết