– Vâng. Họ còn yêu cầu tôi nhận diện nó. Đó chính là món quà tôi tặng
nó vào dịp sinh nhất nó mười lăm tuổi. Một hôm khi hai bố con tôi đi cùng
nhau, nó đã thấy chiếc túi này ở Montburry. Tôi vẫn còn nhớ của hàng đó ở
trên phố chính. Ngày hôm sau, tôi đã quay trở lại để mua cho nó. Tôi còn
đến hiệu làm yên ngựa nhờ khắc tên nó ở phía trong.
Tôi cố gắng đưa ra giả thuyết:
– Vậy, nếu đúng là túi của cô ấy, nghĩa là cô ấy mang nó theo. Mà nếu
cô ấy mang nó theo, thì có nghĩa là cô ấy định đi đâu đó, đúng không ạ?
Ông Kellergan, tôi nghĩ thật khó tin, nhưng ông có nghĩ có thể Nola muốn
bỏ nhà đi không?
– Tôi không biết nữa, anh Goldman ạ. Cảnh sát cũng hỏi tôi như vậy
cách đây 30 năm, rồi mới hỏi lại lần nữa cách đây mấy ngày. Nhưng ở đây
chẳng thiếu cái gì. Quần áo , tiền bạc, chẳng thiếu thứ gì. Nhìn này, túi tiền
tiết kiệm của nó còn ở đó, trên giá sách, vẫn còn đầy. (Ông cầm hộp bánh
quy trên ngăn cao nhất lên). Nhìn này, có tận 120 đô la! 120 đô la. Tại sao
con bé để lại đây nếu nó định bỏ nhà? Cảnh sát nói trong túi của nó có
quyển sách đáng nguyền rủa đó.
– Có thật không vậy?
– Đúng vậy.
Những câu hỏi tiếp tục nhảy múa trong đầu tôi: tại sao Nola lại bỏ nhà đi
mà không mang theo quần áo, cũng không mang theo tiền bạc? Tại sao cô
ấy lại chỉ mang có mỗi bản thảo cuốn sách?
Trong nhà xe, chiếc đĩa hát quay đến bài cuối cùng. Người cha vội vã
quay trở lại đặt nó về từ đâu. Tôi không muốn làm phiền ông quá lâu; tôi
chào ông đi về, khi đi ra tôi còn chụp ảnh chiếc Harley-Davidson.
Về tới Goose Cove, tôi đi ra bãi biển đấm bốc. Tôi vô cùng kinh ngạc
khi thấy trung sĩ Gahalowood từ trong ngôi nhà tiến ra phía tôi. Vì đang
đeo tai nghe cho nên tôi chỉ nhận ra khi anh ta đập tay lên vai tôi.
– Anh khỏe thật đấy, trung sĩ vừa nói vừa ngắm cơ thể tôi trần trùng
trục, rồi anh ta chùi bàn tay đã dính mồ hôi của tôi lên quần mình.