– Ba mươi tuổi! Thế mà anh đã muốn trở thành một dạng đại loại ở giữa
Saul Bellow
à? Vinh quang sẽ đến, đừng quá nóng vội.
Chính tôi đây, tôi đã sáu mươi bảy tuổi rồi và rất hoảng sợ; thời gian trôi
quá nhanh, Marcus ạ, mỗi năm trôi qua là tôi lại mất đi một năm không thể
lấy lại được. Anh nghĩ thế nào hả Marcus? Rằng anh sẽ đẻ ra cuốn tiểu
thuyết thứ hai tương tự à? Một sự nghiệp cần phải có quá trình xây dựng,
anh bạn trẻ của tôi ạ. Còn viết một tiểu thuyết lớn, không cần phải có
những ý tưởng lớn: hãy bằng lòng với việc là chính mình rồi chắc chắn anh
sẽ làm được, tôi không lo lắng cho anh. Tôi dạy văn chương từ hai lăm năm
nay, hai lăm năm trời và anh là người học trò xuất sắc nhất.
– Em cảm ơn thầy.
– Không cần phải cảm ơn, vì đó hoàn toàn là sự thực. Nhưng đừng có
đến đây rên rỉ như người trúng gió bởi vì anh chưa đoạt giải Nobel, trời ạ…
Ba mươi tuổi… xì, tôi thí anh cả đống tuyệt tác luôn… Giải Nobel dành
cho tính đần độn, đấy là cái mà anh xứng đáng nhận được.
– Nhưng thầy đã làm thế nào hả Harry? Cuốn tiểu thuyết của thầy, cuốn
Nguồn gốc cái xấu xa năm 1976 là một tuyệt tác! Đấy mới chỉ là cuốn thứ
hai của thầy… Thầy đã làm thế nào ạ? Làm thế nào để viết được một tuyệt
tác?
Ông cười buồn bã:
– Marcus, người ta không viết nên tuyệt tác. Tuyệt tác tồn tại bởi chính
tự thân nó. Anh biết đấy, dưới con mắt nhiều người, rốt cuộc, đó là cuốn
sách duy nhất mà tôi viết… Ý tôi là, không có cuốn sách nào viết ra sau đó
thành công được như thế. Khi người ta nói đến tôi, ai ai cũng ngay lập tức
nghĩ đến cuốn Nguồn gốc cái xấu xa. Đó là điều đáng buồn, vì tôi tin rằng
nếu vào độ tuổi ba mươi mà người ta bảo tôi rằng tôi đã đạt tới đỉnh vinh
quang cao nhất của sự nghiệp, chắc chắn tôi sẽ lao xuống biển tự tử. Đừng
có nóng vội quá Marcus ạ.
– Thầy tiếc cho cuốn đó à?