– Anh có còn nhớ cuộc trò chuyện của chúng ta vào ngày anh nhận bằng
tốt nghiệp ở Burrows không?
– Vâng, chúng ta đã cùng nhau đi bộ rất lâu xuyên qua ký túc xá. Chúng
ta đã đi bộ đến tận phòng đấm bốc. Thầy đã hỏi em định bắt đầu làm gì từ
lúc đó, và em đã trả lời mình sẽ viết một cuốn sách. Rồi thầy hỏi tại sao em
lại viết. Em trả lời vì em thích viết và thầy đã nói…
– Ừ, thầy trả lời thế nào?
– Rằng cuộc sống chỉ có rất ít ý nghĩa. Và viết sẽ mang lại ý nghĩa cho
cuộc sống.
– Chính vậy đó, Marcus. Và anh thật sai lầm khi chấp nhận đòi hỏi của
Barnaski cách đây vài tháng về một bản thảo mới. Anh đã bắt đầu viết một
cuốn sách bởi vì anh phải viết một cuốn và không phải để mang lại cho
cuộc sống một ý nghĩa. Làm để mà làm sẽ không bao giờ có ý nghĩa: vậy
nên không có gì đáng ngạc nhiên khi anh đã không viết nổi lấy một dòng.
Anh có một khả năng thiên phú không phải bởi vì anh có thể viết đúng, mà
bởi vì anh có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình, như vậy mới
gọi là khả năng thiên phú. Hằng ngày, có những người được sinh ra, có
những người khác phải chết đi. Ngày nào cũng có hàng đội quân lao động
vô danh đến và đi trong tòa nhà cao tầng màu xám kia. Và rồi có cả những
nhà văn. Các nhà văn sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều so với
những người khác, tôi nghĩ vậy. Đừng có viết nhân danh tình bạn của
chúng ta, Marcus. Hãy viết bởi vì đó là cách thức duy nhất đối với anh để
làm cho cái điều nhỏ nhoi vô nghĩa mà người ta gọi là cuộc sống này có
một trải nghiệm giá trị và thỏa đáng.
Tôi nhìn thầy chăm chú hồi lâu. Tôi có cảm giác đang nghe bài giảng
cuối cùng của người Thầy. Đó là một cảm giác không thể chịu đựng nổi.
Rốt cuộc ông nói:
– Nàng rất yêu nhạc kịch, Marcus ạ. Hãy cho thêm điều đó vào cuốn
sách của anh. Vở nhạc kịch yêu thích nhất của nàng là Madame Butteffly.
Nàng nói rằng những vở nhạc kịch hay nhất đều là “ chuyện tình buồn.”
– Ai? Nola ư?