nó tan ra.
– Mẹ à, con đã ba mươi rồi, con có thể tự nướng lấy xúc xích khi con
muốn.
– Con phải biết là bố con không còn được ăn xúc xích nữa đấy. Bác sĩ
bảo thế. (Tôi nghe thấy tiếng bố tôi rên rỉ ở đằng xa rằng thỉnh thoảng ông
vẫn có quyền được ăn một cái chứ, rồi mẹ tôi trả lời: “Không có chuyện
xúc xích với những đồ ăn như cám lợn ấy nữa. Bác sĩ đã bảo là những đồ
ăn như thế sẽ bịt kín hết cả hệ thống mạch máu của anh đấy”). Markie yêu
quý của mẹ, bố bảo con phải viết một cuốn sách về Quebert. Nó sẽ giúp
con khôi phục lại sự nghiệp. Vì ai cũng nói về Quebert, nên mọi người
cũng sẽ đọc và nói về cuốn sách của con. Sao con không đến nhà bố mẹ ăn
tối nữa hả Markie? Lâu quá rồi. Măm măm, bánh táo ngon quá cơ.
Vừa mới vượt qua được bang Connecticut thì tự nhiên tôi có ý nghĩ
chẳng hay ho cho lắm là tắt nhạc thính phòng đang nghe để mở đài nghe tin
tức. Lúc đó, tôi mới biết đội ngũ cảnh sát đã làm rò rỉ thông tin: giới truyền
thông đã biết bản thảo cuốn Nguồn gốc cái xấu xa được chôn cùng với xác
chết của Nola Kellergan, cũng biết luôn việc Harry thú nhận đã lấy cảm
hứng từ mối quan hệ với cô bé để sáng tác nên cuốn sách đó. Trong một
buổi sáng, các tin tức giật gân mới đã kịp lan truyền trên toàn bộ đất nước.
Ngay sau khi ra khỏi thị trấn Tolland, trong quán nhỏ cạnh cây xăng nơi tôi
ghé vào để đổ đầy bình, tôi thấy nhân viên bơm xăng đang dán mũi vào
màn hình vô tuyến nghe tường thuật vắn tắt những thông tin này. Tôi đứng
sững như trời trồng rồi đề nghị anh ta vặn to tiếng lên, nhìn thấy vẻ ngây
thộn như mới từ trên trời rơi xuống của tôi, anh ta hỏi:
– Anh không biết gì à? Mấy tiếng đồng hồ dồi, ai cũng nói về chuyện
này. Anh ở đâu da thế ? Từ trên xao hỏa xuống à?
– Không, tôi ở trong xe hơi ra.
– À, thế trong xe hơi không có đài à?
– Tôi nghe nhạc thính phòng. Nhạc thính phòng giúp tôi thay đổi suy
nghĩ.