Sắc tộc ông gọi là Ionian và Aiolian trong chuyện Iliad đứng về phía thành
Troa chiến đấu. Thành phố Miletos trên đảo Krete, mạn nam Tiểu Á, kinh
đô của người Karian, thuộc về “người Karian tiếng nói xa lạ” (2.867). Ông
không gọi người Hy-lạp là Graikoi, người Hy-lạp như ta gọi, và ông cũng
không gọi họ là Hellen như họ gọi chính họ. Ông gọi họ là Achaian, Argive,
Danaan. Theo ông người Argive không nhất thiết xuất thân từ Argos, người
Achaian cũng không nhất thiết phát xuất từ Achaia. Cũng như người
Danaan, họ đều là Graikoi. Ông không dùng chữ “Dorian,” chữ này xuất
hiện một lần trong Odyssêy (19.177) và ông tránh dùng chữ “Thessalian”.
Chữ Hellene liên hệ mật thiết với chữ Dorian. Ông biết nghịch với chữ này
là chữ Pelasgian và chữ Karian, song thường tránh sử dụng. Ông hiểu người
Dorian và người khác kéo tới đuổi dân tộc ông qua biển sang châu Á.
Nhưng ông bỏ qua, vì ông trở lại biết bao thế hệ trước kia, khi tổ tiên khán
giả của ông, có lẽ cả tổ tiên ông nữa, là chủ nhân Hy-lạp, qua châu Á không
phải với tư cách người chạy trốn để lập thuộc địa mà như kẻ cướp để cướp
phá mưu sinh. Qua lầm lẫn về niên đại thỉnh thoảng ông tự dối mình, song
ông đang cố gắng dựng lại quá khứ xa xôi.
Đến nay vẫn chưa ai biết rõ ngày tháng về ông. Những gì người sau biết
về ông chỉ là tương đối, và biết tương đối như thế lại cũng chỉ hoàn toàn
dựa vào cuộc chiến thành Troa trong khi thời gian cuộc chiến đó bắt đầu,
kéo dài, chấm dứt như thế nào người sau không thể xác định. Sự thể đúng
như nhà nghiên cứu văn học thâm hậu người Đức W. Schmid từng nghĩ.
Trong cuốn Geschichte der griechischen Literatur (Lịch sử Văn học Hy-lạp)
xuất bản ở Munich năm 1929, trang 83, ông viết: “Vì người xưa còn lúng
túng như vậy nên chúng ta ngày nay chẳng thể nào biết Homer sống chết
lúc nào.” Bởi thế học giới Tây Âu, khi nghiên cứu, chẳng đặng đừng đã
nhắm mắt chấp nhận năm 850 TCN. theo sử phụ Herodotus như mấu thời
gian liên hệ tới cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả Iliad.
Đối với độc giả khắp nơi trên thế giới trong số có cả độc giả người Việt,
trước cũng như nay, tiến tới thi phẩm là bước vào đường quanh co, gập
ghềnh do nhiều trở ngại. Trở ngại thứ nhất độc giả gặp là danh xưng - nhân