người mua bán phải tuân theo.
Lại đặt chức quan “ngũ quân” để bình giá hàng hóa: người buôn bán có
hàng hóa bán không được thì nhà nước theo giá đã định mua lấy, để khi giá
hàng lên cao thì theo giá cũ mà bán ra cho dân.
Thêm chức quan “tuyền phủ” để cho nhân dân vay: nếu vay để làm ma
chay thì không lấy lời, nếu vay để làm ăn thì thu lời.
Biến pháp của ông thời đó rất mới mẻ, có tính cách nửa tư bản nhà nước
(capitalist d état) nửa xã hội (socialisme).
Ông mong rằng chính sách đó sẽ giúp triều đình có tiền để diệt Hung Nô,
mà lại công bằng, tài sản của kẻ giàu người nghèo không quá chênh lệch,
nhưng ông không ngờ rằng quốc gia đã chẳng lợi gì vì bọn tham quan ô lại
có cơ hội vơ vét của dân, nộp cho chính phủ rất ít, quốc khố vẫn rỗng; mà
phản động lực của bọn đại điền chủ, đại thương gia hợp với lòng oán than
của dân nghèo bị bọn thừa hành nhũng nhiễu, khiến cho chính sách của ông
hoàn toàn thất bại.
Giặc cướp nổi lên như ong sau một vài thiên tai. Đảng Xích Mi (một hội
kín của nông dân theo Đạo giáo, bôi lông mày đỏ), đông tới triệu người,
tiến quân lên kinh đô, gặp các quan lại, các đại điền chủ, phú thương là
chém giết. Vương Mãng phái quân đi dẹp thì một số quân qua phía nông
dân.
Đảng đó vừa mới nổi thì tôn thất nhà Hán là Lưu Tú (cháu sáu đời Cảnh
đế) cũng khởi binh. Vương Mãng đem quân tới đánh, nhưng hào kiệt bốn
phương nổi dậy hưởng ứng với quân Hán. Vương thua và Lưu Tú đem
quân vào được Tràng An.
Vương Mãng tin rằng mạng trời của mình chưa hết, không chết được, nên
không trốn, cứ bận long bào ngồi trên ngai đọc kinh của đạo Nho, rốt cuộc
bị một tên lính chặt đầu (năm +23). Như vậy là triều đại Tân chỉ được 15
năm.
Lưu Tú thắng được Vương Mãng rồi, quay lại dẹp đảng Xích Mi, thành
công, lên ngôi, mở đầu thời Hậu Hán.
Trong mấy năm nội loạn đó, mấy triệu dân chết vì họa binh đao