- Lương
Vua đầu tiên, Võ đế, có tài, khi mới lên ngôi sửa sang chính trị nhưng ông
quá sùng đạo Phật, càng về già càng mê, có lần tính thoái vị để vào ở chùa,
triều thần xin ông ở lại, nhưng từ đó ông bỏ bê việc nước, ai muốn làm gì
thì làm, sau bị một tướng Đông Ngụy qui phục ông rồi làm phản, đem binh
vây kinh đô, hãm Đài Thành, bắt ông, bỏ đói ông, và ông “tịch”. Từ đó nội
tình Lương mỗi ngày một loạn, rốt cuộc, một viên tướng là Trần Bá Tiên
tiếm ngôi, lập nên nhà Trần.
Trần
Trần, triều đại cuối cùng của Nam Triều, còn tệ hại hơn các triều đại trước.
Đất đai thu hẹp lại, chỉ còn lưu vục phía đông của sông Dương Tử, phía
gần biển. Cũng lại cảnh tranh giành nhau ở triều đình. Tùy Văn đế thống
nhất được miền Bắc rồi, mà vua cuối cùng là Hậu chủ Trần Thúc Bảo vẫn
ham vui; quân Tùy đã tới bờ sông Dương Tử mà ông ta vẫn tin rằng họ
không sao qua sông được. Cuối cùng một tướng Tùy vào kinh đô, bắt sống
ông. Nhà Trần mất. Nhà Tùy thống nhất được Bắc Nam, thiên hạ qui về
một mối.
D. KINH TẾ
1. Nông nghiệp
Trong thời đế quốc tan rã (Tam Quốc tới Nam Bắc Triều), Trung Hoa chia
làm nhiều nước, mỗi nước lo tự túc về kinh tế, có những công trình khai
phá, thủy lợi riêng; nhưng vì loạn lạc liên miên nên tuy có tấn bộ mà rốt
cuộc kết quả không được bao nhiêu, trừ miền Nam. Khi nhà Tây Tấn dẹp
xong Đông Ngô thì nước rất nghèo: dân ít mà ruộng hoang nhiều, chính
sách của triều đình là khuyến khích nông nghiệp: đàn ông từ 16 đến 60 tuổi
được mỗi người 70 mẫu, ngoài ra phải làm 50 mẫu để đóng địa tô cho triều
đình; đàn bà được 30 mẫu và 20 mẫu làm địa tô (theo Lữ Chấn Vũ), như
vậy địa tô rất nặng, khoảng 60%, tuy là khuyến khích mà thực ra chỉ là bóc
lột; chỉ hạng quí tộc và quan liêu mới được lợi, ruộng đất mênh mông, lại
được cấp thêm kẻ phục dịch.