Vì vậy một phần, mà cũng vì thủy tai, ôn dịch, vì ảnh hưởng của vụ loạn
Bát vương mà năm 307, đầu đời Hoài đế, vua áp chót của Tây Tấn, dân
chúng bị nạn đói tai hại: phải ăn rễ cây, cỏ, phải bán vợ đợ con; vậy mà
Huệ đế cha của Hoài đế, ngạc nhiên, hỏi: “Đói ư? Sao không ăn thịt?”.
Trong khi đó thì bọn vương tôn, đại địa chủ sống rất xa hoa, như Vương
Khải, Thạch Sùng... chẳng hạn. Họ giàu hơn vua, “danh” cỏn lưu truyền tới
ngày nay. Sau vụ đói năm 307, số người Hán còn lại ở làng không phải tha
phương cầu thực chỉ còn có 2 vạn hộ, khoảng 10 vạn người! Cho nên khi
Ngũ Hồ vào chiếm, Tấn sụp liền.
Qua đời Nam Bắc Triều, ở miền Bắc, những triều đại đầu tiên, nông nghiệp
rất suy vì rợ Hồ phá ruộng để làm đồng cỏ, nông dân phiêu bạt. Tới nhà
Bắc Ngụy, triều đình theo văn minh Trung Hoa, áp dụng lại phép tỉnh điền
đời Chu, chia cho mỗi người trai tráng 40 mẫu (khoảng 2 hecta) và 20 mẫu
trồng dâu. Nhưng quan trọng nhất là các tu sĩ Phật giáo khai hoang được
nhiều để mở mang đất của chùa. Kĩ thuật cũng tiến bộ được một chút: lựa
giống, tháp cây, dùng phân xanh.
Miền Nam tiến bộ hơn cả: người di cư xuống hăng hái khai hoang, đại địa
chủ cũ và mới chịu bỏ ra nhiều vốn; tu sĩ Phật giáo cũng tìm đất mới: đầu
thế kỉ thứ VI có tới 2.000 chùa, mà một số đất đai rất rộng, dùng tới mấy
trăm nông dân. Người ta đào thêm kinh, vì lúa mùa (nhiều nhất) cần nhiều
nước.
Từ thế kỉ III, người ta đã bắt đầu trồng (rồi uống) trà, gây một nguồn lợi rất
lớn cho Trung Hoa.
2. Tiểu công nghệ
Không có gì đáng kể. Ở Bắc thì cũng như đời Hán, chính quyền giữ độc
quyền khai thác nguồn lợi của mỏ và muối. Thợ thủ công một số ít làm cho
các gia đình quí phái, như gia nhân của họ. Nhiều người làm riêng cho
mình, cũng họp thành phường.
Ở Nam tiến bộ hơn. Kiến Khang nổi tiếng về lò nấu sắt, lò rèn; có hai thứ
thép tốt: một thứ gọi là bách luyện (luyện đi luyện lại nhiều lần), một thứ
gồm sắt luyện rồi trộn với sắt chưa luyện. Ta nhớ miền Nam là miền của