Đông Ngô, có danh từ xưa về thuật làm kiếm. Xưởng dệt thường đặt ở
trong chùa hay các nhà quí tộc. Dệt được một thứ gấm đẹp để xuất cảng.
Nghề làm đồ gốm và nghề đóng thuyền cũng thịnh.
3. Thương mại
Thật là một điều bất ngờ: đạo Phật truyền vào Bắc Trung Quốc làm cho
thương mại thay đổi kĩ thuật, như lập một thứ ngân hàng cho vay có đảm
bảo, và cách cầm đồ. Những cách đó đã dùng ở Trung Á, Trung Hoa bắt
chước.
Lạc Dương thành một trung tâm thương mại thịnh vượng trao đổi hàng hóa
với Trung Á và Tây Á.
Miền Nam, thương mại còn thịnh hơn: một mặt dùng đường Tứ Xuyên mà
trao đổi với các rợ ở Bắc, trên biên giới, ngọn sông Hoài; một mặt dùng
đường biển trao đổi với các nước ở Nam Hải, như với Phù Nam (ngày nay
là Cao Miên), qua cả Ấn Độ.
E. VĂN HÓA
1. Triết học - Tôn giáo
Nho - Lão
Thời Chiến Quốc loạn và nhiều triết thuyết xuất hiện để cứu loạn, thời Nam
Bắc Triều cũng loạn mà không có triết gia nào nghĩ tới việc cứu loạn cả.
Suốt trong mấy trăm năm đó, đạo Nho vẫn được các triều đình Ngụy (họ
của Tào), Tấn (Tây và Đông), cả một số triều đình ngoại nhân như Tiền
Tần, Bắc Ngụy của Thác Bạt... tôn trọng, nhưng tuyệt nhiên không có một
nhà Nho đáng gọi là triết gia.
Chỉ có vài người như Hà Án, Vương Bật ở cuối nhà Ngụy của họ Tào là
giữ được chút tư tưởng của nhà Nho - Hà trọng sự tu thân, Vương chú thích
Kinh Dịch - nhưng họ thiên về Lão hơn và đem Nho, Lão nhồi với nhau
thành một thứ huyền học, lãng mạn. Nổi tiếng nhất là nhóm Trúc Lâm thất
hiền, sống rất phóng túng, mạt sát đạo Nho, suốt ngày chỉ “thanh đàm”,
nghĩa là đàm luận vê những lời huyền vi của Lão, Trang, không thiết thực,
vì vậy người ta gọi là Huyền học gia.