2. Văn học
a. Văn trào
Từ Hán trở về trước, văn nhân không có quan niệm gì rõ rệt về văn học:
thấy mối đạo cần phải truyền bá thì họ viết, thấy nỗi lòng cần được thổ lộ
thì họ ngâm. Và hễ diễn được hết ý, truyền được hết cảm xúc của mình thì
thôi, không ai nghĩ đến việc tô chuốt cho đẹp, để lưu danh lại hậu thế, có
chăng thì chỉ để làm vui lòng người được đề cao thôi.
Đến khi Tào Phi, ông vua đầu tiên của nhà Ngụy, soạn thiên Luận văn (luận
về văn), trong đó có vài ý xác đáng như “văn lấy khí làm chủ. Khí có hai
thể: thanh và trọc, đều do trời sinh, không thể gắng sức mà luyện, dẫu cha
anh cũng không truyền được cho con, em.” Bàn về các thể văn, ông cho
rằng luận thuyết phải dùng lí, mà thi phú thì cần đẹp. Từ đó người ta mới
nhận rằng văn chương tự nó có một giá trị riêng, miễn nó đẹp là quí, không
cần phải giúp cho nhân sinh, đạo đức. Đó là khởi nguyên phong trào duy
mĩ ở thời Lục Triều, trái hẳn với lối “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) của
Tiền Hán trở về trước. Duy mĩ tức như ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật
vị nghệ thuật; mà tải đạo là nghệ thuật vị nhân sinh.
Đã cho rằng văn chương có một giá trị riêng không cần phải giúp cho đạo
đức, nhân sinh thì đồng thời cũng nhận rằng văn sĩ là một hạng người riêng,
có thể có một lối sống riêng, khác mọi người, có thể phóng túng, bê tha,
nếu sự phóng túng gợi cho mình những ý kì, những hình ảnh mới, mà lời
hóa đẹp đẽ. Ở một thời cực kì loạn lạc như thời Lục Triều, chủ trương đó
rất được hoan nghênh, và thời Lục Triều là thời văn thơ lãng mạn nhất của
Trung Quốc. Bọn Trúc Lâm thất hiền (Nguyên Tịch, Kê Khang, Lưu Linh,
Nguyễn Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung) nổi tiếng vì thói khinh
đời ngạo vật, phóng đãng, bất chấp lễ nghi.
Kẻ thì chính ngày đoan ngọ lấy quần treo đầu gậy, cắm ở giữa sân để phá
tục cổ (Nguyễn Hàm); kẻ thì dám uống rượu, ăn thịt trong đám tang mẹ, kẻ
thì thoa phấn bôi son, giả làm đàn bà. Hết thảy đều say sưa suốt ngày như
Lưu Linh, tác giả bài Tửu đức tụng (ca tụng cái đức của rượu. Chủ nghĩa
của họ là chủ nghĩa cá nhân, văn chương của họ là văn chương duy mĩ.