Rằng đẹp thì đẹp thật, như gấm như hoa (người đời sau nói: đẹp như văn
thơ đời Lục Triều); nhưng tủi thì cũng tủi thậm, nhà tan nước mất vào tay
rợ Ngũ Hồ. Đó là nhược điểm của họ mà cũng là đặc sắc của họ. Người
đương thời phục họ, gọi họ là thất hiền vì họ không ham danh lợi.
Văn thơ cần đẹp, mà lại cần phải du dương, có nhạc nữa. Lục Cơ bảo âm
thanh phải thay đổi như ngũ sắc chiếu lẫn nhau. Tiếng Trung Hoa cũng như
tiếng Việt là một tiếng đơn âm, mà có nhiều thanh (bình, thượng, khứ,
nhập) nên tự nhiên có khuynh hướng từ này đối chọi với từ khác cả về
nghĩa lẫn về thanh, khuynh hướng đó là nguồn của sự đối ngẫu. Từ đời
Xuân Thu chúng ta thỉnh thoảng thấy những câu đối nhau, sớm hơn nữa,
trong kinh Thi cũng gặp những câu như vậy; nhưng đến thời Hán mạt,
chúng ta mới thấy phát hiện lối tứ lục, một thể văn biền ngẫu[6], cứ một
câu bốn chữ lại một câu sáu chữ. Từ khi có thuyết thanh âm của Lưu Cơ thì
văn biền ngẫu rất thịnh, hết thảy văn nhân, bất kì viết về loại gì, cả loại tự
sự, nghị luận cũng dùng thể biền ngẫu. Hai nhà phê bình lớn thời đó là
Chung Vinh và Lưu Hiệp cũng theo Lưu Cơ và những tác phẩm của họ là
Thi phẩm và Văn tâm điêu long cũng đầy những câu bóng bảy, du dương.
Chú trọng đến âm thanh để câu văn thêm nhạc là một sáng kiến đáng khen
của văn nhân đời Tấn. Nhờ họ, văn học Trung Quốc được thêm một đặc sắc
mà người phương Tây phải phục, như Margoulies trong Histoire de la
litérature Chinoise. Chỉ tiếc một điều là phần đông tác giả đời Lục Triều
chú trọng đến lời, đến nhạc quá, chuyên luyện hình thức mà coi nhẹ nội
dung nên thơ văn mất sinh khí, hóa ra phù nhược.
Đó là xét chung chứ thời Lục Triều cũng có nhiều nhà văn rất tự nhiên mà
bất hủ.
Trở lên trên là những biến chuyển và đặc điểm của văn học thời Lục Triều,
dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu sơ sài một số tác giả ở miền Nam, vì ở
miền Bắc văn học không lưu lại được gì quan trọng. Dân gian vì tiếp xúc
với tinh thần thượng võ của các rợ Hồ, nên có nhiều bài dân ca hùng hồn,
nhưng ảnh hưởng đó không được bền vì rợ Hồ chẳng bao lâu cũng đồng
hóa với người Hán. Còn giới sĩ tộc thì loạn lạc liên miên, các triều đại thay
nhau rất mau, kẻ lo tự cứu cái thân, kẻ lo cộng tác với triều đình ngoại