không có quyền. Điều hành cơ quan hành chính là Thượng thư tỉnh gồm 6
bộ: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công. Mỗi bộ có một
trưởng quan gọi là Thượng thư, một thứ quan là Thị lang. Cũng có một bộ
tựa như bộ thuộc địa để cai trị các lãnh thổ ở xa: Mông Cổ, Tân Cương,
Tây Tạng, v.v..., nhưng không có bộ ngoại giao vì Trung Hoa tự coi là hơn
hết thảy các dân tộc khác, nên việc ngoại giao chỉ là tiếp các sứ thần tới
dâng cống phẩm thôi. Lại có một Ngự sử đài, tức cơ quan giám sát.
Toàn quốc chia làm 10 đạo (như tỉnh ngày nay); dưới đạo có châu, rồi
huyện, hương, lí, thôn.
Các cải cách của Thái tôn về tổ chức hành chánh tỉnh đáng coi là quan
trọng và lâu bền nhất. Nhà Tần đặt ở đầu mỗi quận một quan văn coi về
hành chánh và một quan võ coi về võ bị, quyền ngang nhau. Nhà Hán bỏ
chế độ đó, chỉ dùng quan văn thôi. Nhưng sau đời Hán, nước loạn lạc, sự
cai trị các quận giao cho quan võ do bọn vương hầu cử.
Thái tôn loại lần lần các quan võ đó, mà đích thân lựa những người có học,
có hạnh tốt thay vào. Chế độ tuyển cử đó có vào đời Tùy, nhưng tổ chức
còn sơ sài. Thái tôn theo Tùy, đặt ra khoa tiến sĩ trọng văn từ, khoa minh
kinh trọng sự tinh thông một kinh. Lễ bộ coi việc khảo thí; người nào đậu
rồi, muốn làm quan thì phải thi lại ở bộ Lại, có đậu mới được bổ dụng. Như
văn hào Hàn Dũ (coi ở sau) đậu tiến sĩ mà thì 3 lần ở bộ Lại đều rớt, phải
sống nghèo khổ 10 năm. Cũng có một số con nhà quí tộc, đại quan liêu, đại
địa chủ chẳng cần thi cũng được bổ dụng. Thói thiên vị, bổ dụng người
thân đó thời nào, dân tộc nào cũng có, nhưng ở Trung Hoa vẫn ít hơn.
Các kì thi tổ chức rất nghiêm và rất công bằng. Thí sinh mà gian lận thì bị
trừng trị nặng, giám khảo mà gian lận thì bị cách chức.
Chế độ thi cử ở nước ta thời trước theo đúng của Trung Hoa nên tôi không
cần chép dài dòng, chỉ nhấn vào điểm này: không biết từ đời nào Trung
Hoa mới chuyên dùng thi phú để tuyển nhân tài, chứ đời Thái tôn tuy trọng
văn từ thật, nhưng không khinh hẳn những môn ngày nay ta gọi là kĩ thuật
hay chuyên môn: toán, luật, sử, thư pháp[2]... Qua được những môn đó rồi
mới tới môn tứ thư, ngũ kinh, thi, văn. (theo Tsui Chi trong sách đã dẫn, tr.
125, 126).