Chính sách dùng thi cử để lựa người cai trị dân đó tiến bộ nhất đương thời,
học giả phương Tây nào (nhất là các triết gia Pháp ở thế kỉ XVIII) cũng
nhận vậy. Nó rất bình dân, làm cho quyền hành của giới quí tộc bị thay thế
bằng quyền hành của tài năng, trí tuệ. Có thể nói văn minh Trung Hoa tồn
tại được mấy nghìn năm một phần lớn là nhờ nó.
Đời sau, có lẽ từ nhà Tống, người ta quá coi trọng thi văn, coi thứ văn tám
vế (phú) là cái thước để đo nhân tài, cứ thuộc nhiều câu sáo là đậu, không
cần có thực học, có kiến thức, và cái tệ đó kéo dài mãi tới cuối đời Thanh
trong 8 thế kỉ, chương trình học không làm cho tư tưởng tiến bộ, mà giai
cấp sĩ sa đọa, thành một bọn quan lại cố hữu, vênh váo, độc tài, thường
tham nhũng: có thời một tổ chức bán được tới 2 vạn bằng cấp, trước khi bị
phát giác. Ngô Kính Tử, một tác giả đời Thanh (thế kỉ XVIII) đã phúng
thính lối thi cử đó và mạt sát chế độ quan lại trong bộ Nho lâm ngoại sử,
vậy mà nó vẫn tồn tại đến cách mạng Tân Hợi (1911) rồi mới bị bãi bỏ.
Nhưng những tệ hại kể trên là do người không biết sửa đổi chế độ cho hợp
thời, chứ không do chế độ, vì không có chế độ nào hợp lí hơn là tuyển
người theo tài năng để giao chức vụ. Cho nên cách mạng chỉ bỏ lối dùng
văn tám vế thôi mà thay vào nhiều môn khác, chứ chế độ thi cử cả thế giới
đều giữ, không riêng gì Trung Hoa.
Ngày nay người ta không bắt thí sinh phải thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh nữa;
nhưng thời chế độ quân chủ chuyên chế, sự học đó có tác dụng tốt. Nó tạo
được một hạng sĩ phu có tư cách, nhớ trách nhiệm của mình đối với vua,
với dân, dám can gián vua như Ngụy Trưng, chịu sống cảnh nghèo để giữ
đạo, không sợ chết, sẵn sàng hi sinh khi quốc gia lâm nguy. Giới đó luôn
luôn được quốc gia kính trọng, vua cũng phải nể và triều đại nào không biết
quí họ thì triều đại đó tất sẽ sụp đổ.
Will Durant rất khen chế độ đào tạo được các sĩ phu đó. Ông viết: “Một xã
hội mà nghĩ rằng phải thử dùng vào việc trị nước những người được đào
tạo bằng triết học và cổ điển học, nội điều đó cũng đáng phục rồi. Chế độ
ấy và tất cả nền văn minh làm cơ bản cho nó ngày nay bị lật đổ, tiêu diệt vì
sức mạnh khốc liệt của sự tiến triển và của lịch sử, điều đó đáng kể là một
tai họa cho nhân loại” (sách đã dẫn). Chỗ khác ông còn bảo “giá Platon biết