qua đánh. Như vậy thì triều đình nhà Đường đã chia rẽ, có một phe ủng hộ
Đột Quyết, nên họ mới ngạo nghễ như vậy. Họ mới cho quân qua xâm lăng
thì Trung tôn đã được trở về ngôi, rồi Võ hậu chết.
Tóm lại, theo Eberhard, có sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe, một phe
thân Đột Quyết, một phe chống; phe này gồm Võ hậu và giai cấp sĩ tộc; khi
Võ hậu chết, giai cấp đó lại ủng hộ Vi hậu.
3. Thời rực rỡ: Huyền tôn.
Một ông vua nghệ sĩ
Thời Thái tôn là thời thịnh trị nhất, vua quan lo cho dân nhất, đoàn kết
nhất, có tài, có đức nhất, dân chúng sung sướng nhất.
Nhưng nói đến đời Đường thì chúng ta nghĩ ngay đến Đường Minh Hoàng,
và cả thế giới cũng cho đời Minh Hoàng là rực rỡ nhất của Trung Quốc về
đời sống tinh thần (có lẽ cả vật chất nữa). Văn thơ, ca nhạc, họa, điêu khắc
đều đua nhau phát triển trong khoảng 40 năm. Thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch
Cư Dị được dịch ra khắp các ngôn ngữ, những nét chữ tươi mạnh trên các
bức hoành, bức tranh, những tranh sơn thủy màu… thật nhã, nét thật rõ,
những tượng nhỏ bằng ngọc thạch... được trưng bày trong các tàng cổ viện,
các thư viện và được coi là những di sản quí báu của nhân loại, tiêu biểu
cho văn minh và văn hóa Trung Hoa.
Minh Hoàng có lẽ là tên người đương thời tặng vua Huyền tôn. Thực ra
Huyền tôn yêu mĩ nhân, ca hát quá, yêu thơ văn quá, rất tầm thường về
chính trị, không đáng gọi là minh quân; ông chỉ là một vị hoàng đế rất tài
hoa, yêu tất cả cái gì đẹp, có nhiều nghệ sĩ tính, biết làm thơ, đặt ra ca nhạc,
vũ nữa; nghệ sĩ tính đó làm cho đời ông về già thật bi đát, dân chúng lầm
than, quốc gia điêu tàn, và nhà Đường suy luôn, để rồi sau cùng bị diệt.
Ông lên ngôi năm 713, ở ngôi được 43 năm. Hồi đầu ông siêng năng, trừ bỏ
những tệ chính đời Võ hậu, Vi hậu, và được vài vị đại thần có tài giúp đỡ:
Diêu Sùng, Tống Cảnh. Họ ức chế bọn quá nhiều quyền hành, thường can
gián ông và ông cũng chịu nghe lời họ.
Thời đó Thổ Phồn đã mạnh lắm, từ đời Võ hậu đã thường vào cướp phá
biên giới, có khi xâm lấn nữa, triều đình phải chinh phạt nhiều năm, tốn
kém khá nhiều.