mặc, nhưng tráng đinh mỗi năm phải làm xâu 30 ngày và đi quân dịch một
tháng.
Quân điền như vậy chỉ là “quân” với người nghèo; còn bọn vương công,
đại quan liêu có công thì được cấp ruộng đất nhiều, hằng vạn, ức mẫu.
Chính sách đó có mục đích chiêu tập những kẻ lưu vong và dễ thu thuế,
khác hẳn chủ trương của Vương Mãng đời Hán: san bằng sự giàu nghèo, ức
chế bọn mạnh, không cho thôn tính kẻ yếu. Đời Đường cũng như đời Tùy,
chính sách đó có kết quả tốt trong mấy chục năm đầu: sản xuất tăng lên,
thuế má thu vô nhiều, dân số cũng tăng theo.
Nhưng dân số tăng lên thì không thể phát cho dân số ruộng như cũ nữa,
được bao nhiêu mẫu nữa, mà phải giảm đi. Giảm tới một mức nào đó, dân
không đủ sống thì phải đi nơi nào đất rộng dân thưa để làm ăn, và như vậy
phải bán ruộng vườn của mình đi. Hoặc vì bệnh tật, trong nhà có người chết
mà không đủ tiền lo thuốc thang, ma chay thì cũng phải bán đất. Bán thì
bán cho chùa hoặc đại điền chủ. Bán rồi thì không được cấp đất nữa, thành
dân lưu vong, vô sản, chỉ còn cách làm công cho chùa, cho đại điền chủ,
như vậy không còn tên trong hộ tịch nữa, khỏi phải đóng thuế và triều đình
mất một số thuế. Chùa và đại điền chủ (đa số là đại quan liêu) được miễn
thuế, càng ngày càng giàu thêm, mà triều đình thì càng ngày càng nghèo,
tới một lúc số thu của triều đình kém số thu của hai giới đó. Thế là chế độ
quân điền tự diệt nó: chiêu tập lưu vong được một thời rồi lại tạo ra lưu
vong, thu thuế được một thời rồi lại thất thu. Hoàn toàn thất bại. Tai hại
nhất là số dân trong hộ tịch giảm đi, đã không thu thuế được mà cũng
không kêu lính được, quân đội của triều đình ít hơn quân đội của tư nhân.
Các tiết độ sứ từ đời Huyền tôn trở đi mạnh hơn triều đình chính vì vậy. Mà
dân số sau vụ An Lộc Sơn giảm đi tới 2/3, một phần cũng vì số lưu vong
nhiều quá, không còn trong hộ tịch, triều đình không cách nào làm thống kê
được, chứ có lẽ nào dân chết nhiều tới mức đó, chỉ trong 7 năm, từ 53 triệu
xuống 17 triệu (coi tiết Dân số ở dưới).
Vậy chính sách quân điền tưởng là tốt mà hậu quả lại xấu: dân nghèo càng
nghèo thêm, kẻ giàu càng giàu thêm, ngược hẳn lại chủ trương “quân vô
bần” của Khổng Tử. Các nhà cầm quyền tất thấy điều đó, mà không hiểu tại