hạng người sống trong cung thời đó, từ các cung phi bó chân (cuối đời
Đường tục bó chân đã bắt đầu lan rồi), các vũ nữ, nhạc công, tới bọn người
chơi polo, bọn tôi tớ, bọn giữ ngựa đi những cái ủng thật rộng, mũi quặm,
râu quặm, rõ ràng là gốc ở Tây Vực.
Tràng An thời đó là nơi tụ họp của đủ các giống người: Nhà sư Ấn Độ, tu sĩ
đạo Cảnh giáo, con buôn Samarcande, quân lính Đột Quyết, sinh viên Nhật
Bản…
Dân bốn phương tụ lại: Thư sinh lên kinh để thi tiến sĩ, người đậu rồi thì
đợi bổ dụng; bọn hảo hán đi tìm nhà quyền quý biết dùng mình; thương gia
buôn muối, trà, thuốc bắc, quan lớn ở tỉnh về kinh để bệ kiến... Cao lâu, tửu
điếm, trà thất, kĩ viện mọc lên như nấm, ồn ào suốt đêm tiếng ca tiếng nhạc.
Cả một xã hội thích ca nhạc, mĩ nhân và thơ. Con buôn cũng biết làm thơ.
Mê thơ nhất có lẽ là kĩ nữ. Một số ít có thanh, có sắc lại biết làm thơ thì nổi
danh khắp nước; không biết làm thơ thì ít nhất cũng thuộc thơ của danh sĩ
đương thời.
Phong trào thích thơ bắt đầu từ đời Trung tôn. Ông đặt ra lệ thi thơ trong
ngày Thượng nguyên (rằm tháng Giêng). Ngày đó các quan lớn quan nhỏ ở
tỉnh, cả thường dân nữa, ai tự thấy mình có tài làm thơ thì đều đổ xô tới
Tràng An để thi hoặc xem người ta thi thơ. Một đoàn dài do hoàng tộc dẫn
đầu và gồm đủ các giới trong xã hội, diễn qua các đại lộ. Các cô công chúa
cưỡi ngựa con, gẩy đàn. Dân chúng bu lại coi. Vua cho dựng trong vườn
thượng uyển một cái đài trang hoàng bằng gấm. Mỗi vị đại thần phải tới
trình một bài thơ mình mới làm để ca tụng triều đại.
Tới đời Huyền tôn, phong trào còn mạnh hơn nữa. Chính Huyền tôn đón Lí
Bạch vào cung để làm thơ, cho nên các công chúa cũng tranh nhau tiếp đón
thi nhân và lầu son gác tía của họ là nơi hội họp của các nghệ sĩ.
Ngay bọn ca nhi mà cũng hào phóng xuất tiền ra đặt tiệc đãi thi sĩ Vương
Xương Linh, Vương Chi Hoán, Cao Thích. Họ hãnh diện rằng thuộc được
nhiều thơ mà thi sĩ còn hãnh diện hơn nữa, khi thơ của mình được nhiều
nàng ngâm hơn cả, và bạn bè tôn mình là thi thiên tử. Thật là hoàng kim
thời đại của bọn tài tử, giai nhân.
Đại khái đời sống giới phong lưu ở đô thị như vậy, còn đời sống dân gian