thì đọc thơ Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị chúng ta sẽ biết được ít nhiều.
6. Văn hóa
Triết học - Tôn giáo.
Đời Đường, Nho giáo thích hợp với chế độ quân chủ, lại được trọng, có lẽ
còn hơn đời Tây Hán nữa. Năm 637, vua Thái tôn tôn Khổng Tử làm Tiên
Thánh, Nhan Hồi làm Tiên sư, cùng thờ với Chu Công ở nhà Thái học.
Năm 739, Huyền tôn xuống chiếu truy thụy Khổng Tử là Văn Tuyên
vương. Nhưng Nho học thì lại chỉ thịnh về mặt văn chương và khoa cử, còn
về mặt tư tưởng thì rất sút.
Chỉ hai nhà có chút ít cống hiến cho đạo Nho là Hàn Dũ và môn sinh của
ông, Lí Cao. Khi Hiến tôn rước cốt Phật về thờ, ông dâng sớ can, lời mạnh
mẽ; bị đày đi Triều Châu nội trong một ngày. Ông chỉ công kích cái hình
thức bề ngoài của Phật giáo, đứng về phương diện chính trị, xã hội mà xét
ảnh hưởng tai hại của Phật giáo tới quốc gia: Chùa mọc lên nhiều quá, điền
sản của chùa chiếm tới 1/3 toàn quốc, có tới 2 triệu tăng ni và không biết
bao nhiêu người trốn lính, trốn thuế, gởi thân, gởi của cải vào chùa, làm
cho nước nghèo và yếu đi. Ông đề cao Nho giáo nhưng tư tưởng không có
gì sâu sắc. Trong thiên Nguyên đạo bảo bản nguyên của thế giới là “đạo”,
cái đạo đó biểu hiện trong xã hội là tam cương (ba giềng mối: Vua tôi, cha
con, vợ chồng) và ngũ thường (năm đức quan trọng nhất trong mọi thời:
Nhân, nghĩa, lễ trí, tín). Trong thiên Nguyên tính, ông theo Vương Sung,
chia làm ba hạng: thượng (hoàn toàn thiện), hạ (hoàn toàn ác), trung (có thể
hóa thiện, hóa ác); không có gì mới.
Ông có công đề cao Mạnh tử và khuyên các học giả chú ý tới sách Đại học.
Từ đó người Trung Hoa mới xa Tuân tử mà gần Mạnh tử (trước Hàn, Mạnh
và Tuân được trọng ngang nhau); và tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung
dung, Đại học) mới được đặt ngang với ngũ kinh. Rồi tới đời Tống, các
triết gia mới đem Mạnh tử, Đại học ra phân tích, bàn về tính, lí, cách vật, trí
tri. Cho nên người ta bảo Hàn Dũ đã có công mở đường cho Đạo học đời
sau.
Lí Cao chịu ảnh hưởng của Lão, Phật hơn, viết cuốn Phục tính thư bàn về
tính, tình và cách tu dưỡng, kết luận rằng người ta phải diệt tình để khôi