Nam càng tiến về miền Tây, nơi có nhiều người gốc Miên, càng thấy nhiều
khất sĩ.
Đời Đường, Trung Hoa đã có trên một chục tôn phái mà chỉ có 2 tôn là tiểu
thừa. Trong số những tôn phái kia - đều là đại thừa - tôi chỉ kể 4 tôn quan
trọng nhất:
Thiền tôn do Đạt Ma thiền sư (cũng gọi là Bồ Đề Đạt Ma) đem từ Ấn qua
thời Lương Võ đế (Nam triều) (như tôi đã nói).
Pháp tướng tôn cũng gọi là Duy thức tôn, gốc ở Ấn Độ, giáo lí truyền qua
Trung Quốc từ thời Lục triều nhưng đến đời Đường, Huyền Trang mới lập
thành một tôn phái, lần lần chiếm được một địa vị rất quan trọng, có ý vị
triết lí sâu sắc.
Hoa nghiêm tôn do hòa thượng Đỗ Thuận đời Đường sáng lập, căn cứ vào
kinh Hoa Nghiêm.
Thiên thai tôn hoàn toàn do Trung Hoa sáng tạo, sở dĩ có tên đó vì vị sơ tổ
của phái đó, Trí Giả đại sư tu ở núi Thiên Thai. Ông căn cứ vào Hoa
nghiêm kinh, châm chước Trí độ luận, Niết bàn kinh, Đại phẩm kinh mà lập
giáo, đại khái chủ trương điều hòa hai phái “hữu” và “không”.
Độc giả muốn biết đại cương giáo lí các tôn phái đời Đường, xin coi cuốn
thượng (tr.81-87) Đại cương triết học Trung Quốc của chúng tôi - Cảo
Thơm tái bản năm 1970.
*
Tóm lại, có thể nói ở Trung Hoa, Phật giáo thịnh cực vào đời Đường, mà
theo luật tự nhiên, thịnh cực là bắt đầu suy.
Trước sau có tất cả bốn lần pháp nạn (đạo Phật bị vua phế, cho là có hại
cho văn hóa, quốc gia): Lần đầu ở đời Bắc Ngụy, triều Võ đế; lần nhì ở đời
Bắc Chu, triều Võ đế; lần ba ở đời Đường, triều Võ tôn; lần thứ tư ở đời
Hậu Chu, triều Thế tôn (trong sử gọi là tam Võ, nhất Tôn pháp nạn); thì lần
thứ ba nặng nhất, còn các lần kia, chỉ cấm trong vài năm mà không triệt để.
Nhà Đường rất khoan dung về tôn giáo (coi đoạn dưới), vậy mà Võ tôn
phải có thái độ cương quyết chỉ vì đoàn Phật giáo phát sinh ra nhiều tệ hại,
gom góp một số lớn đất đai, tài sản (có sách nói bằng 2/3 tài sản quốc gia),
chứa chấp một số tăng, ni chỉ biết trục lợi, và một số rất đông trốn chúa đi ở