đường), không có giặc giã, cha thì từ, con thì hiếu, người già được kính
trọng,không ai cô độc, muộn vợ muộn chồng ... Đáng quý nhất là hai ông
thánh đó biết lựa người hiền để phụ tá mình, khi gần chết, không ai coi ngôi
vua là của mình, không truyền ngôi cho con mà truyền ngôi cho người
hiền: Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn cho Vũ.
Truyền thuyết đó có một vẻ huyền thoại. Nội một điều vua Nghiêu ở ngôi
đúng một trăm năm cũng đủ cho ta ngờ rồi.
Nhiều học giả cho rằng Khổng tử tạo ra huyền thoại đó để chống đỡ tư
tưởng chính trị của ông. Có thể như vậy. Bộ sử cổ nhất của Trung Hoa là
Kinh Thư có chép về Nghiêu, Thuấn trong Ngu Thư (sử đời Ngu, tức đời
vua Thuấn), nhưng Ngu thư lại bị các học giả ngày nay ngờ là nguỵ thư do
nhà nho đời Hán viết vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Vậy thì tác
phẩm đầu tiên nói tới Nghiêu Thuấn phải kể là bộ Luận Ngữ, trong các bài
18, 19 thiên VIII, 4 thiên XV, và I thiên XX.
Bài XX-1 (tuy không ghi rõ là lời Khổng Tử, nhưng có thể tin được là tư
tưởng của ông) chép lời Nghiêu khuyên Thuấn giữ đạo trung chính khi
nhường ngôi cho Thuấn, và sau Thuấn cũng khuyên lại Vũ như vậy khi
nhường ngôi cho Vũ.
Còn hai bài thiên VIII thì khen sự nghiệp của Nghiêu vòi vọi, vĩ đại như
trời (bài 19), và đức của Thuấn, Vũ rất cao vì được nhường ngôi mà chẳng
lấy làm vui, nghĩa là chẳng màng vinh hoa, phú quý (bài 18).
Theo thiển kiến, Khổng tử không thể tạo nên một huyền thoại, và có thể
huyền thoại đó đã mờ mờ có từ cả ngàn năm trước, dựa trên một chút sự
thực nào đó, khi chế độ thị tộc chuyển qua chế độ phong kiến, chế độ công
hữu chuyển qua chế độ tư hữu, mẫu hệ chuyển qua phụ hệ, mà kinh tế vừa
săn, hái chuyển qua nông nghiệp, mục súc. Trong lịch sử nhân loại, mỗi khi
có một biến chuyển toàn diện, lớn lao thì luôn luôn có nhiều người tiếc thời
ổn định cũ và tạo ra một thời đại hoàng kim trong dĩ vãng.
Nghiêu và Thuấn chỉ là tù trưởng của một thị tộc. Có thể Nghiêu được
nhiều bộ lạc liên hiệp bầu làm thủ lĩnh (mỗi bộ lạc gồm nhiều thị tộc).
Nghiêu, Thuấn lên ngôi cách nhau cả trăm năm như truyền thuyết chép lại
thì khó có sự Nghiệu nhường ngôi cho Thuấn được: lúc đó Nghiêu bao