Ông rất lãng mạn, chỉ yêu thơ, rượu, sơn thủy và mĩ nhân, nhưng có bài
ông tả cảnh thương tâm của dân vì giặc giã liên miên như Chiến thành nam
(tư tưởng xã hội), có bài tả cảnh biên tái như bài Hành lộ nan, Thục đạo
nan, giọng hùng tráng, còn thơ chán đời, ở ẩn trong rừng sâu, núi thẳm, mê
tiếng suối, tiếng chim, nhìn mây bay trăng mọc thì ông làm rất nhiều,
không một nhà nào trong phái tự nhiên bì kịp. Chỉ cái loại quái đản là ông
không ưa: Thơ ông bài nào cũng phát tự lòng ra, không đẽo gọt.
Trong Đại cương văn học sử Trung Quốc tôi đã giới thiệu trên hai chục bài
của Lí, nếu trích ra dăm bài thì thiếu quá, mà chép lại nhan đề hai chục bài
đó thì vô ích.
- Phái xã hội dùng cây bút để tả nỗi tân khổ của mình và của đồng bào, lựa
con đường tả thực, lấy trạng thái xã hội làm đề tài.
Có tài nhất mà có lòng nhất cũng là Đỗ Phủ (712-770). Đời ông rất long
đong, nghèo khổ, chỉ làm một chức quan nhỏ, không chịu a dua, nhiều khi
tỏ nỗi bất bình về cảnh huống xã hội, nên bị bãi chức. Có hồi đói, vợ con
nheo nhóc. Không ai không cảm động khi đọc những bài: Cảnh li biệt của
cặp vợ chồng mới cưới, bài Lính lệ Thạch hào trong đó ông tả cảnh khổ của
dân bị bắt lính.
Thơ luật của ông rất đẽo gọt mà hay. Danh ông ngang với Lí Bạch.
Bạch Cư Dị (772-864) trái lại, làm quan, sung sướng suốt đời, nhưng cũng
bất bình vì nỗi bất công trong xã hội: Kẻ thì quá xa xỉ, kẻ thì chết đói
(bài“Khinh phì”). Bài “Ông lão gãy tay ở Tân Phong” (kể nỗi khổ của một
người lấy đá đập gẫy cánh tay để khỏi bị bắt lính) nhiều người thời nay đọc
tất phải mũi lòng.
Ông còn hai bài thơ dài nổi danh: Tì bà hành và Trường hận ca. Bài trên
chép nỗi lòng của một ca nữ, đã được Phan Huy Vịnh dịch ra tiếng Việt;
bài dưới tả cái hận bất tuyệt của Đường Minh Hoàng đã phải để cho quân sĩ
giết Dương Quí Phi.
Ba nhà trên: Lí, Đỗ, Bạch là ba thi hào lớn nhất đời Đường.
- Phái biên tái. Phái này tả chiến trường, bão cát, mưa tuyết... ở biên cương,
có giọng bi hùng, có lẽ chịu ảnh hưởng thơ văn hoặc các bài ca thời Bắc
triều. Nổi danh có Cao Thích, Vương Xương Linh, Sầm Tham, Vương Chi