SỬ TRUNG QUỐC - Trang 242

Nguyễn Hiến Lê

Sử Trung Quốc

Chương V

THỐNG NHẤT VÀ PHÂN CHIA LẦN III

A. THỐNG NHẤT: BẮC TỐNG (960-1120)
1.Thống nhất đất đai
Thái Tổ (960-975)

Triệu Khuôn Dẫn lên ngôi, hiệu là Thái Tổ, đổi tên nước là Tống, đóng đô
ở Biện Kinh tức Đại Lương (Khai Phong ngày nay).
Tổ tiên ông gốc ở phía nam Bắc Kinh ngày nay, nhiều đời làm tướng. Ông
là ông vua duy nhất được quân lính đặt lên ngai vàng. Ông không phải là
bậc anh hùng, cũng không có tài gì siêu quần, nhưng có nhiều đức quý,
lương thiện, thành thực, thực tiễn, hiểu lòng người và biết mình.
Ông không đem quân đi đánh đuổi rợ Khiết Đan để thu hồi đất Vân, Yên ở
miền Bắc vì biết việc đó khó, sức ông chưa đủ. Ông hãy làm một việc dễ
trước đã, việc các nước ở miền Nam. Thời đó còn bảy nước . Năm 963 ông
xuất quân đánh Kinh Nam, thừa thế diệt luôn Vu Bình. Năm sau, ông sai
một viên tướng đánh Hậu Thục, thắng, rồi chuyển quân đánh Bắc Hán,
nhưng Bắc Hán được nước Liêu (tức Khiết Đan) giúp sức,thấy khó nuốt,
ông tạm "tha" cho, rút quân về đưa xuống miền Nam chiếm Nam Hán. Vua
Nam Đường thấy vậy sợ, xin hàng. Rồi Nam Hải cung xin nộp cống, Ngô
Việt xin thuần phục. Như vậy là cả miền Nam vào tay ông, chỉ còn Bắc
Hán (ở miền Bắc) đến đời sau (Thái Tôn) mới dẹp được (979)
Thái Tôn (976-999) tuy diệt được Bắc Hán, nhưng không thu về được đất
Vân, Yên, trái lại bị Liêu đánh bại, nhưng Liêu cũng chỉ quấy nhiễu ở miền
Bắc thôi, chứ không dám tiến xa hơn.
Công việc thống nhất tuy chưa được hòan thành, nhưng tạm coi là yên. Đế
quốc đời Tống không được mở mang thêm mà còn mất miền Hà Bắc (Vân,
Yên) và miền Tây Hán (Vân Nam, Tây Khang), nhỏ hơn đời Đường vì bỏ
hẳn miền Tây Vực mà tiến về Đông Nam, vừa phong phú vừa dễ chiếm
hơn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.