tới Thiền Châu rồi lên thành, giương lọng vàng lên, quân Tống thấy vậy
hâm hở hoan hô vạn tuế, tiếng vang xa mấy dặm, khí thế rất hăng. Lúc đó
tướng Khiết Đan mới bị trúng nỏ chết, quân mất tinh thần, vua Khiết Đan
xin nghị hoà. Tể tướng Khấu Chuẩn muốn bắt họ phải xưng thần và trả lại
hai đất Yên, Vân mới cho hoà, nhưng Chân Tôn không nghe, sai sứ thương
nghị với Khiết Đan, hai bên ước rằng:
* Biên giới hai nước y như trước khi có chiến tranh
* Tống tặng cho Liêu (Khiết Đan) mỗi năm 10 vạn lượng bạc, 20 vạn tấm
lụa
* Hai nước trao đổi tù binh
* Vua Liêu gọi vua Tống bằng anh
Vậy là Tống tuy thắng mà hoá bại
Năm 1042 vua Liêu sai sứ sang đòi thêm đất. vua Tống lại phái tặng thêm
cho Liêu 10 vạn lạng bạc và 10 vạn tấm lụa nữa.
Với Tây Hạ
Với Tây Hạ, Tống cũng chịu "nhũn" như vậy.Tây Hạ vốn là giống Thát
Bạt, quy phục Trung Hoa từ đời Đường. Đời Tống Chân Tôn, họ biết dung
hoà văn minh Trung Hoa và văn minh Thổ Phồn, cải cách chính trị, cường
thịnh lên, đánh các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Tuy Viễn, hằng năm đem
binh vào cướp phá biên giới. Sau vì tình hình trong nước không yên, vua
Tây Hạ xin hoà, vua Nhân Tôn phong cho làm quốc vương và mỗi năm
"cho" trà và bạc 25 vạn rưỡi lạng (1043). Vua Tống nghĩ rằng chịu nhũn
như vậy đở tốn hơn là nuôi binh, mà lại được yên. Lầm lớn, yên ổn được
mấy chục năm, tướng sĩ biến nhác, tinh thần suy nhược, mà các rợ thấy
Tống chịu cống bạc, lụa để được an thân, càng ngày càng lấn hiếp. Nguyên
nhân suy vong của Tống và của dân tộc Trung Hoa ở đó.
Liêu và Hạ vốn là dân tộc du mục, từ khi tiếp xúc với Trung Hoa hâm mộ
văn hoá Trung Hoa, một số lớn ăn mặc như người Hán, họ lại phỏng theo
chữ Hán mà tạo ra quốc tự cho họ. Họ cũng lập học hiệu, xin ngũ kinh, tứ
thư, sách thuốc về dạy, cũng sùng bái Khổng Tử, dịch Luận ngữ, Chu
Dịch.....Vài nhà viết sách bằng Hán Văn mà nổi danh, lần lần họ Hán hoá
hết.