giáp, bảo mã.
- Bị cựu đảng đã kích, nhất là đại địa chủ phá hoại, mà uy thế của hai giới
đó rất mạnh.
- Tân pháp thi hành gấp quá, không chuẩn bị kỹ, không đào tạo đủ cán bộ,
không kiểm soát được chặt chẽ, bọn thừa hành làm bậy và báo cáo láo, một
mặt bóc lột dân chúng, một mặt che mắt triều đình, thành thử lợi cho quốc
gia không bao nhiêu mà phí tổn về lương cho cán bộ rất nặng. Vương đã
không tự lượng sức, đánh Tây Hạ mà tiêu hao quân lính, tiền bạc, sau lại
thua Việt Nam, dân chúng càng thấy đảng của ông bất lực.
Theo tôi còn một nguyên nhân nữa, Trung Quốc thời đó đất đai quá rộng,
tình hình quá suy nhược, tài của Vương không cứu vãn được. Ông lại quá
tự tin, cố chấp, nên những người có uy tín không chịu hợp tác với ông, mà
bọn tay chân của ông hầu hết là nịnh bợ, đầu cơ.
Vương mất rồi, lại trên 800 năm sau mới có cuộc cách mạng xã hội nữa,
lần này là lần thứ tư, và có một chương trình hấp dẫn, một tổ chức tinh vi,
một kỹ thuật hiệu nghiệm, hiện đã đứng vững được trên ba chục năm, đã
thực hiện được một số công trình, nhưng dân vẫn nghèo khổ, có lẽ còn lâu
mới đạt được mục đích.
7. Rợ Kim mạnh lên, chiếm trọn miền bắc Trung Quốc.
Cầm quyền đã trên 100 năm, nhà Tống chưa giải được hai cái hoạ Liêu và
Tây Hạ thì lại thêm cái hoạ rợ Kim.
Ở hai miền thượng du Hắc Long Giang có một bộ lạc người Trung Hoa gọi
là Nữ Chân (tên này chắc là phiên âm), cùng một bộ tộc với Mãn Châu. Họ
lạc hậu, chất phát, chưa đúc được sắt, mà tính tình hung hãn. Thế kỷ XI họ
lệ thuộc nước Liêu, qua thế kỷ XII họ mạnh lên, nhân vua Liêu vô đạo, họ
cử binh đánh, chiếm được một phần đất của Liêu, năm 1125 đời Tống Huy
Tôn, thủ lãnh của họ là A Cốt Đả xưng đế đổi quốc hiệu là Đại Kim.
Bấy giờ Liêu đương suy. Tống thừa cơ đánh thì tất thắng, vậy mà Huy Tôn
nghe một hoạn quan là Đồng Hoán bài mưu, muốn mượn sức của Kim, sai
sứ qua liên minh với Kim để diệt Liêu. Hai bên ước với nhau:
* Kim, Tống cùng tiến quân đánh Liêu, một bên từ Bắc, một bên từ Nam.
* Thành công rồi thì Tống lấy lại đất Vân, Yên mà Liêu đã chiếm từ đầu