Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Thời nguyên thủy và thời phong kiến
Chương III
Nhà Thương
Theo Từ Hải và các bộ sử cũ thì nhà Thương bắt đầu từ khoảng 1766 trước
công nguyên và chấm dứt năm 1122 trước công nguyên[1]. Nhưng theo
Eberhard (sách đã dẫn) thì những niên đại đã được ghi nhận là sai. Nhà Hạ
chỉ dài khoảng 300 năm từ 1800 đến 1500 trước công nguyên (phỏng
chừng) chứ không phải từ 2201đến 1760 trước công nguyên, và nhà
Thương bắt đầu từ khoảng 1450, chấm dứt khoảng 1050 trước công
nguyên.
1. Đất đai, triều đại
Chương trên chép về thời đại tiền sử, bắt đầu từ chương này chúng ta bước
vào thời đại có sử, vì sử nhà Thương được người đời sau chép và những
điều chép đó đúng với kết quả các công trình khai quật. Tới 1964, người ta
đã in và công bố 41000 hình khắc trên các giáp cốt, và trong số 3000 chữ
khắc thời đó, đã có hơn 1000 chữ nhận ra (identifié) được nhờ ba nhà bác
học Trung Hoa: Le Tchenyu, Wang Kouowei và Teng Tsepin.
Văn minh đời Thương đã cao rồi, nhưng "quốc gia" Thương thành lập
trong hoàn cảnh nào, dân Trung Hoa từ văn minh nhà Hạ chuyển qua văn
minh nhà Thương ra sao thì chúng ta còn thiếu nhiều tài liệu lắm.
Chúng ta chỉ biết đại khái rằng vua Thành Thang khi diệt vua Kiệt rồi, khai
sáng nhà Thương, quy tụ được nhiều bộ lạc và đất đai nhà Thương gồm các
tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam ngày nay.
Kinh đô mới đầu ở đất Bạc, sau bị các dân tộc du mục ở phía Tây lấn, phải
dời chỗ bảy lần, lần cuối cùng tới Ân Khư (khư nghĩa là đồi) ở phía Đông,
gần An Dương, đổi quốc hiệu là Ân[2], và thời đó phải chiến đấu rất
thường xuyên với các bộ lạc chung quanh.
Khổng Tử trong Luận ngữ khen Thành Thang biết dùng người hiền là Y
Doãn (bài XII-22) và có tinh thần trách nhiệm cao: dân chúng mà có tội thì