Chính lúc người Nga được phép đặt một phái đoàn công sứ thì triều đình
Mãn Thanh cũng lập một cơ quan lo việc Hồi.
Tóm lại, người Nga cho rằng hiệp ước đã công nhận sự bình đẳng giữa hai
dân tộc, mà quyền được buôn bán là một thứ đặc quyền, một cách nhượng
bộ, còn người Thanh cho rằng trước sau họ vẫn đãi người Nga như đã đãi
các “rợ” khác ở Trung Á, ở Đông Nam Á chẳng hạn.
Do sự hiểu lầm nhau mà qua thế kỉ XIX xảy ra nhiều xung đột chính trị.
Người Âu trách người Trung Hoa là vi phạm các hiệp ước đã kí, người
Trung Hoa bảo rằng mình thi hành rất đúng.
- UNG CHÍNH (Thế Tôn 1723 – 1735).
Ung Chính ngoài 40 tuổi mới chiếm ngôi, sau khi giết hại anh em, và trong
43 năm cầm quyền ông dùng chính sách Pháp gia (Hàn Phi, Lí Tư,… đời
Tần) thủ đoạn rất cao, diệt hết kẻ chống đối, ức chế tôn thất, đặt ra một cơ
quan mật vụ dò xét kẻ gian, giám sát quan lại, nhờ vậy ở triều không có kẻ
lộng quyền, mà trong nước bọn ô lại cũng ít.
Ông đa nghi thù dai nhưng biết dùng người, biết lo cho đời sống của dân,
hưng thủy lợi, giảm thuế. Dân chúng tuy chê ông là giả dối, tàn nhẫn,
nhưng không oán ghét ông.
Thấy các tu sĩ Ki Tô giáo (Dòng Tên và các dòng khác) âm mưu, khuynh
loát nhau, ông cầm đạo ở khắp nước, trừ Bắc Kinh. Ba trăm giáo đường bị
phá.
Nhưng ông rất siêng năng, cần kiệm, và cuối đời ông quốc khố còn dư
nhiều.
- CÀN LONG(Cao Tôn 1736- 1795).
Vài sử gia khen Càn Long là ông vua tài giỏi và sáng suốt nhất đời Thanh
sự thực thì học thức của ông không bằng Khanh Hi, chính tích của ông
cũng kém Ung Chính, nhưng ai cũng nhận rằng đời ông là thịnh nhất của
nhà Thanh, được vậy là nhờ hai ông vua trước đã khai hoang, cày bừa, gieo
giống, ông chỉ việc vun tưới và hái quả. Đặc biệt về phương diện tài chính,
ông được hưởng di sản lớn của Khang Hi và Ung Chính vì hai ông này đều
giỏi về tài chính, không phung phí.
Ông giữ ngôi rất lâu, 60 năm, gần bằng Khanh Hi (61 năm), có óc khoáng