đạt, nhân từ: miền nào mất mùa thì ông giảm hoặc tha thuế, sau lấy thóc
trong lẫm của triều đình để phát chẩn, vì vậy mà dân bất kì là Mãn, Hán
hay Mông đều quí ông và cuối đời ông thì cả ba giống người đó đều dung
hợp với nhau thành người Trung Hoa hết.
Chính ông cũng thành người Hán, nói tiếng Hán, làm văn thơ Hán như các
đại thần Hán.
Ông noi gương Khang Hi, triệu tập các nhà bác học hồng nho và những ẩn
sĩ ở sơn lâm, được 3.000 người trên 60 tuổi, đãi một bữa yến cho một ngàn
vị già nhất.
Ông vời các học giả lại kinh đô để biên soạn những bộ sách lớn về sử học,
văn học, y học, luật học như Đại Thanh hội điển, Đại Thanh luật lệ, Đại
Thanh nhất thông chí, Y tôn kim giám… Vĩ đại nhất là bộ Tứ Khế toàn thư;
giao cho Kỉ Quân điều khiển.
Hàng trăm học giả, văn nhân cộng tác trong mười năm thu thập hết những
sách cổ, bất kì về loại gì (văn học, sử học, triết học, địa lí, âm nhạc, y học,
nông nghiệp…) rồi tuyển lựa được 79.070 quyển, chép làm 7 loại: kinh, sử,
tử (tác phẩm của các triết gia hạng nhì), tập (văn thơ)… mỗi loại chứa riêng
trong một kho, do đó có tên là tứ khố (bốn kho).
Mỗi bản để ở một nơi: Bắc Kinh, Phụng Thiên, Hàng Châu, Dương Châu…
khi liên quân Anh Pháp vào Bắc Kinh, họ chở đi một bản; vì loạn lạc; hai
bản nữa bị đốt, hiện nay còn 4 bản. Nhà Thương Vụ ấn thư quán ở Thượng
Hải vừa bắt đầu in bộ đó thì tiếng súng nổ ở Lư Châu Kiều, mở màn cho
một chiến tranh kéo dài tới 1945 và công việc phải bỏ dở. Khắp thế giới
chưa có bộ sách nào vĩ đại như vậy.
Càn Long cho soạn bộ đó tuy có công bảo tồn văn hóa Trung Hoa nhưng
cũng nhằm một mục đích nữa: tiêu hủy những sách có tư tưởng dân tộc vô
tình hay cố ý phản Thanh, tất cả tới 1.862 bộ, chia làm 538 loại, nhiều nhất
là chính sử, dã sử đời Minh. Ông khôn hơn Tần Thủy Hoàng.
Nhưng cái họa văn tự đời Thanh còn khiếp lắm. Sử chép trường hợp 70
người soạn bộ Minh Sử, trong đó, một đoạn viết về vụ Mãn Châu chiếm
Trung Hoa có giọng ai oán chứ không vui vẻ, hăng hái, tác giả lại quên kị
húy khi chép tên các vua Thanh, họ đã chết rồi, bị quật mả lên mà những