chứ không phải của vua đặt ra để ức hiếp dân nữa.
Vương Phu Chi
Đồng thời với ông có Vương Phu Chi, cũng phản Thanh tới năm 1650, rồi
về ở ẩn bốn chục năm. Cũng nghiên cứu về sử như Hoàng, cũng cho rằng
chính quyền thành lập vì dân, chứ không phải vì vua. Ông đả kích nhà cầm
quyền Thanh rất hăng, nhưng đa số tác phẩm của ông 200 năm sau mới in
được, ảnh hưởng lớn tới các nhà cải cách ở cuối đời Thanh: Đái Chẩn và
Đàm Tự Đồng coi ông như thầy.
Ông phản đối Trình Di, Chu Hi, Vương Dương Minh bảo: “thiên lý ở trong
nhân dục; không có nhân dục thì thiên lý ở đâu mà phát ra?”.
Cố Viêm Võ
Là người thoát ly hẳn với Tống Nho. Tuổi ông suýt soát với Hoàng Tôn Hi
và Vương Phu Chi mà tư tưởng khác hẳn. Ông cũng phản Thanh tới khi
thất bại, rồi không chịu ra làm quan nhà Thanh, đi du lãm khắp nơi ở phía
Bắc và phía Tây, tìm những di tích đời xưa để khảo cứu, có tinh thần khoa
học.
Có lẽ ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng của Âu Tây vì cuối đời
Minh đầu Thanh đã có nhiều giáo sĩ Tây như Adam Schall, Ferdinaud
Verbiest, Mathieu Rici dịch sách khoa học và triết học của Âu ra chữ Hán:
Nhất là Mathieu Rici đã xướng lên thuyết tìm nghĩa sách ở trong nguyên
văn, và một số sĩ phu Trung Hoa đã có khuynh hướng về khảo chứng, cho
đời Hán gần đời Xuân Thu, Chiến Quốc nhất mà lời chú thích của Hán Nho
chắc phải đúng hơn Tống Nho.
Cố Viêm Võ là người đứng đầu trong phái Hán học (nghiên cứu Nho học
theo chú thích đời Hán) đó. Ông bảo: “Sao lại phân biệt ra một cái gọi là lý
học được? Kinh học tức là lý học. Từ bỏ kinh học mà nói lý học thì là thiền
học”. Ông bỏ hết phần siêu hình trong lý học. Ông trọng chứng cứ, hễ đưa
ra một thuyết gì là dẫn chứng đầy đủ, rành rẽ. Mà ông chỉ đưa ra những
thuyết từ trước chưa ai nói tới, không muốn bắt trước người xưa. Ông dùng
phương pháp khảo chứng đó để nghiên cứu ngữ âm, ngữ nguyên của những
từ cổ, tìm hiểu các kinh, thư, nếu sai thì hiệu đính. Ông bỏ ra 30 năm để
nghiên cứu kinh, thư, phân tích, phê bình và thấy bản mà người ta gọi là