Tới cuối đời Thanh, dân tộc Trung Hoa gặp rất nhiều nỗi khó khăn nên học
giả nào cũng chỉ lo cải tạo chế độ xã hội và chính trị để cứu nước. Họ tuy
đông nhưng tư tưởng không có gì đặc biệt, hầu hết là pha Khổng học với
Âu học. Xuất sắc là Khang Hữu Vi.
Khang Hữu Vi.
Ông mới đầu theo học thuyết của Lục, Vương, sau đọc nhiều sách Âu dịch
ra tiếng Trung Hoa, mở trường dạy học, lập nên phong trào duy tân, việc
thất bại, phải trốn qua Nhật (coi ở sau) đến khi Dân quốc thành lập mới về
nước.
Tư tưởng của ông gồm mấy yếu điểm: binh đẳng, bác ái và đại đồng. Ông
nghĩ rằng nhân loại sắp đến thời đại đồng rồi, và để sửa soạn cho thời đó,
ông đề nghị: phá ranh giới các quốc gia, bỏ chế độ giai cấp, bỏ quan niệm
về chủng tộc, không phân biệt trai gái nữa, nam nữ hoàn toàn bình đẳng:
phá bỏ gia đình, bỏ tư sản, công nông thương không còn chủ và thợ nữa,
trừ tiệt những cái bất bình, bất đồng, bất công, như vậy là diệt được cái
khổ.
Người đương thời mỉa ông là “Khang thánh nhân”, chê ông không tưởng,
không thiết thực, nhưng ai cũng trọng tư cách của ông, ông và học trò ông
(Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng) là những người mở đường cho cuộc
cách mạng Tân Hợi (coi ở sau).
SỬ HỌC
Đầu đời Thanh, các học giả quyến luyến văn hiến của tổ quốc nên rất chú ý
đến sử học, tìm lý do suy vong để rút ra một bài học.
Nổi tiếng nhất là Hoàng Tôn Hi với hai bộ Tống, Nguyên học án và Minh
Nho học án.
Sau ông có Vạn Tư Đồng, tác giả bộ Minh Sử Cảo( 500 quyển ), Quần Thư
nghi biện.
Toàn Tổ Vọng viết bộ Kinh sử vấn đáp; Chương Học Thành lưu lại hai bộ:
Sử tịch khảo và Văn sử thông nghĩa, đều có giá trị vì có kiến giải riêng, viết
có phương pháp.
VĂN HỌC