“Cổ văn” được dùng hơn ngàn năm trong các kỳ thi, thực ra là ngụy thư,
như vậy là ông mở đầu cho phong trào nghiên cứu cổ văn với tinh thần
khoa học. Ông đề cao thực dụng, đại ý bảo: “Khổng tử san định sáu kinh là
muốn cứu vớt dân khỏi cảnh lầm than. Nói phiếm không bằng đừng nói mà
làm”
Tóm lại Cố Viêm Võ là một nhà khảo cứu, một sử gia hơn là một triết gia,
nhưng đã làm thủ lãnh một học phái có ảnh hưởng lớn ở đương thời.
Nhan Nguyên
Sinh sau ba nhà trên khoảng hai chục năm cũng phản đối cả lý học lẫn tâm
học, trách các triết gia Tống, Minh làm mất nước, chê cả Cố Viêm Võ là
chỉ lấy cái học đọc sách để giải nghĩa sách, không phải là theo cái học của
Khổng Tử.
Ông tin tính người ta vốn thiện, khuyên ta đừng để cho lòng bị vật dục che
lấp. Ông chú trọng nhất đến sự thực hành và làm việc. Đọc sách không phải
là học, làm việc mới là học, (ông thực hành lời nói ông dạy: vừa viết sách,
vừa cày ruộng). Làm việc thì không nghĩ bậy nữa, như vậy là luyện đức.
Châm ngôn của ông “còn sống một ngày thì một ngày làm việc cho cuộc
sống”.
Triết học của ông không có gì thâm thúy, nhưng ta phải nhận rằng trên
2.000 năm, từ thời Mặc tử, không có học giả nào trọng sự cần lao như ông,
và không có học thuyết nào ích lợi thiết thực cho quốc gia bằng thuyết hành
tức học của ông.
Đái Chấn
Ở giữa thế kỷ XVIII, thuộc phái khảo chứng, trọng sự quan sát, có tư tưởng
duy vật, không theo Tống Nho cũng không theo Hán Nho, muốn lập một
triết thuyết riêng, phản đối sự phân biệt ra lý và dục của Trình, Chu, cho
rằng lý là nhân tình, lý ở nhân dục. Nó là cái tình mà không sai lầm, tình
mà không quá, không bất cập thì là lý.
Lại nói: “Lý là ở trong cái dục”, “Thánh nhân trị thiên hạ, tất hiểu cái tình
của dân, an lòng dục của dân mà vương đạo mới tiến được”
Tóm lại ông cũng như Nhan, trọng thực dụng, gần với chủ trương công lợi,
mưu cái lợi cho xã hội. Sở dĩ vậy là do thời cuộc như trên tôi đã nói.