chư hầu. Tất cả các nước đó đều làm phiên dậu cho nhà Chu, và dựng một
hay nhiều đồn trên đất của mình. Mỗi đồn lớn hay nhỏ là một thị trấn có
luỹ bằng đất bao quanh, và hai đường chữ thập cắt ngang từ đông sang tây
và từ bắc xuống nam. Chung quanh đồn là nhà của dân chúng mà người ta
gọi là "lê dân" (dân tóc đen); còn giới quý tộc sống trong đồn thì gọi là
"bách tính" (trăm họ)[3]; danh từ bách tính thời sau mới có nghĩa là dân
thường.
Nguyên tắc là vậy, nhưng thời đó chưa biết đạc điền thì những số trăm dặm,
bảy chục dặm chỉ là phỏng chừng, thiên tử muốn giữ bao nhiêu đất mà
chẳng được, và những công, hầu mạnh lên muốn mở mang bờ cõi thì ai
cấm. Vả lại, trừ những biên giới thiên nhiên như sông, núi, còn trong rừng
và cánh đồng thì làm sao vạch được biên giới, chỉ đắp một mô đất (gọi là
phong
封)[4] để đánh dấu mà thôi. Cho nên uy quyền của một chư hầu lan
tới đâu thì đó là biên giới.
Bổn phận của chư hầu là một hai năm một lần phải lại triều cống thiên tử -
cống phẩm là sản vật trong nước - trình bày về tình hình cai trị trong nước;
có sự xích mích gì với lân bang thì không được tự giải quyết lấy bằng vũ
lực mà phải để thiên tử xử; khi chư hầu chết, truyền ngôi lại cho con thì
phải được thiên tử chấp nhận.
Ngược lại bổn phận của thiên tử là phải che chở, giúp đỡ các chư hầu: nước
nào bị ngoại tộc xâm lăng thì đem quân lại cứu; nước nào mất mùa thiên tử
cũng phải cứu trợ. Và năm năm một lần, thiên tử đi thăm hết các chư hầu
một lượt, dĩ nhiên là chỉ tới những nước lớn rồi bảo các nước nhỏ tới họp
để cùng tế lễ thần núi (ngũ nhạc) và nghe các nguyện vọng của họ.
Tới đâu thiên tử cũng cho mời các ông già bà cả cao tuổi nhất lại chúc
mừng và thăm hỏi về dân tình. Dân tộc Trung Hoa đã có tục trọng người
già vào thời đó. Thiên tử lại quan sát các sản phẩm trong nước, nghe các
bản nhạc, các bài hát trong các cuộc tế, lễ ở mỗi triều đình, các bài ca dao
trong dân gian và sai người chép lại, để biết phong tục mỗi noi, đời sống,
nguyện vọng của dân. Những bài hát trong dân gian đó được Khổng Tử sau
này sưu tập thành bộ Kinh Thi, nhờ vậy chúng ta biết được khá đúng những