tuyển quân lính để chống cự với giặc. Nông dân ở chung quanh đem ruộng
đất tặng lãnh chúa hoặc sung vào quân đội của lãnh chúa để được lãnh chúa
che chở. Do đó mà một số lãnh chúa khá mạnh, đất rộng, quân đông, họ
hợp lực nhau đem quân cứu triều đình, được phong tước cao hơn, có khi
lấn áp nhà vua nữa, và sau triều đình phải tốn công dẹp họ để thống nhất
quốc gia. Nguyên nhân thành lập chế độ phong kiến ở Đông và Tây khác
nhau như vậy nên không thể so sánh với nhau được. Một học giả Pháp bảo
chế độ phong kiến của nhà Chu còn hữu hiệu hơn Liên Hiệp Quốc ngày
nay. Phải, lý thuyết thì như vậy, nhưng trên thực tế nó cũng chỉ tốt đẹp
được non 100 năm, rồi sau đó suy tàn dần, hoá ra vô hiệu, như sau này
chúng ta sẽ thấy.
C. Chế độ tôn pháp
Cuối đời Thương, Trung Hoa đã dần dần bỏ chế độ mẫu hệ mà chuyển sang
chế độ phụ hệ, họ đã truyền ngôi cho con cháu chứ không truyền ngôi cho
em cùng mẹ.
Chu Công đặt ra những luật lệ chặt chẽ đời sau chép trong Kinh Lễ, và gần
đây được nhà Trung Hoa học Pháp Léon Vandermeersch nghiên cứu tỉ mỉ
trong cuốn Wangdao ou la Voie royale (Ecole française d Extrême Orient -
Paris 1977).
Dưới đây tôi chỉ giới thiệu vài nét chính.
Hồi đầu các vua nhà Thương truyền ngôi cho em, không có em mới truyền
cho con; người em lên ngôi, khi chết truyền ngôi lại cho con của vua anh
trước. Cuối triều đại nhà Thương, lệ đó dần dần bãi bỏ: ngôi vua luôn được
truyền cho con, chứ không cho em. Nhà Chu bắt chước nhà Thương: Văn
Vương mặc dầu có mấy người em vẫn truyền ngôi cho con là Vũ Vương.
Chế độ lập đích tử từ đó được Chu Công, một chính trị gia có tài, em của
Vũ Vương, quy định, rồi dần dần ngày càng được hoàn thiện, bổ sung;
trong sử gọi là tôn (cũng đọc là tông) pháp: (
宗法).
Vua (thiên tử hay chư hầu) lựa một người con mà truyền ngôi cho - theo