E. Xã hội
Nông dân
Đất nào cũng của nhà vua. Nhà vua chia đều cho nông dân theo phép tỉnh
điền. Chế độ đó có từ đời Thương, nhà Chu không thay đổi, chỉ tăng thêm
diện tích cấp cho dân thôi.
Phép đó như sau: người ta rạch ranh giới thành từng khu vuông vức 900
mẫu (đời Thương là 700 mẫu); mỗi mẫu có sách bảo tương đương 600 mét
vuông, có sách cho là 1200 mét vuông. Mỗi khu chia làm chín phần bằng
nhau, mỗi phần 100 mẫu. Tám phần chung quanh chia cho 8 nông dân từ
20 tuổi đến 60 tuổi để cày cấy và nuôi vợ con. Khi con trai được 20 tuổi thì
được cấp cho một phần khác. Phần ở giữa để lại một ít làm chỗ ở cho 8 gia
đình, còn lại bao nhiêu 8 gia đình cày cấy chung nộp lúa cho nhà vua. Hình
miếng đất khi chia như vậy giống chữ tỉnh nên gọi là phép tỉnh điền. Theo
một số học giả Trung Hoa gần đây thì phép đó là chế độ cộng sản nguyên
thủy còn sót lại của Trung Hoa.
Dân phải lo cày cấy phần công điền ở giữa rồi mới cày cấy phần tư điền
của mình. Như vậy số lúa nộp cho nhà vua cũng vào khoảng một phần
mười số thu hoạch của mỗi gia đình.
Không được phép trồng cây lớn trong ruộng, sợ mất đất trồng lúa, nhưng
được phép trồng dâu, rau, cây ăn quả chung quanh nhà. Cũng không được
phép trông độc một giống lúa, sợ giống đó mất mùa thì sẽ đói. Dân Trung
Hoa suốt mấy ngàn năm, thời nào cũng lo đói. Mỗi gia đình phải nuôi năm
con gà mái và hai con lợn nái.
Nhưng còn những khu đất, vì lẽ này lẽ khác, nhà vua không chia cho dân,
chẳng hạn rừng, đất lầy chỉ trồng được sậy, cỏ lác, đay. Những đất đó dân
được tự ý khai thác nhưng phải đóng thuế cho vua. Họ đốt rừng, làm rẫy
như đồng bào Thượng của ta, sau 4-5 năm đất cằn cỗi, họ đi kiếm đất khác.
Đời sống nông dân rất vất vả. Trong Kinh Thi có nhiều bài dân phàn nàn
phải săn chồn, mèo rừng, lợn rừng, hoặc hái lá dâu, dệt vải cho quý tộc.
Mùa đông thì họ phải ra thị trấn làm mọi công việc lặt vặt cho giới đó mà