thời xưa gọi là quân tử.
Dù sao chế độ đó cũng có lợi cho dân là được một đời sống đảm bảo. Khi
tới 60 tuổi, không làm việc được nữa thì trả lại đất cho vua, chúa; và được
nhà nước nuôi nấng. Những con côi, kẻ tàn tật cũng được trợ cấp? Nếu
được vậy thì họ sướng hơn bọn nông nô (serf) của châu Âu thời Trung Cổ.
Đầu đời Chu nông cụ chưa tiến bộ, phần nhiều bằng đá mài, vì đồng hiếm,
rất đắt, cho nên sự khai hoang cũng tiến chậm.
Đất ruộng là công điền, của triều đình và quý tộc (quý tộc được vua phong
cho một khu lớn, nhỏ tuỳ chức tước); triều đinh và quý tộc chia đều cho
dân làm, đủ cung cấp cho bề trên và dư sống, nên nhà Chu không cần dùng
nô lệ như Roma thời cổ. (Lối sản xuất đó không giống lối sản xuất thời cổ
ở phương Tây, Marx gọi là lối sản xuất của châu Á). Khi thắng một dân tộc
nào, nhà Chu cũng bắt lính và một số dân của địch mang về, bắt làm nô lệ,
nhưng không dùng vào việc sản xuất mà chia cho các quý tộc dùng làm nô
tỳ. Bọn này tuy có thể bị chủ bán hay cho người khác được, nhưng thường
được đối đãi một cách nhân đạo, tình cảnh không bi đát như nô lệ phương
Tây.
Vả lại tiểu công nghệ chỉ mới hơi phát đạt, và có tính cách gia đình, cha
truyền con nối, do đó có tục lệ lấy tên nghề làm tên họ (như trên tôi đã nói),
mà nô lệ cũng không cần thiết trong công nghiệp.
Sự trao đổi sản vật giữa các nước dần dần thịnh lên, tạo nên một giới
thương nhân có địa vị khá. Người ta dùng những miếng đồng, khúc lụa,
những mảnh vàng, những viên ngọc làm tiền tệ để trao đổi hàng hóa[8]. Về
sau người ta đúc tiền bằng đồng.
Đồng, sắt, vàng bạc thời đó gọi chung là kim (
金). Vàng bạc gọi là quý
kim, sắt, thiếc gọi là ác kim. Vậy đọc sách Trung Hoa thời cổ, nếu gặp chữ
thiên kim (chẳng hạn tặng ai thiên kim, vật đáng giá thiên kim...) thì không
nhất thiết là một ngàn lượng hay một cân vàng đâu, có thể chỉ là một ngàn
đồng tiền bằng đồng, và thường thường thiên kim chỉ có ý nghĩa là quý giá
thôi.
Giới quý tộc cai trị dân, bảo vệ nước... thời đó gọi chung là quân tử (con