của vua, cũng như thiên tử là con của trời), bắt dân cung cấp đủ thứ; họ có
trường học cho con cháu, có những tục lệ riêng và rất ham săn bắn như quý
tộc phương Tây. Chỉ họ mới thường có thịt để ăn, còn dân thì ăn rau, cá.
Người ta gọi họ là "bọn ăn thịt" (thực nhục giả). Điểm đó cũng giống
phương Tây nữa.
Cưới hỏi
Ruộng thường cách xa làng xóm. Cuối thu đầu đông công việc đồng áng đã
xong, nông dân trở về làng ở, làm các viêc thủ công. Mùa xuân họ lại trở ra
ruộng, sống chung trong nhiều trại ruộng. Khi thiên tử làm lễ tế giao rồi thì
mùa làm ruộng bắt đầu; và lúc đó cũng là mùa hội hè của nông dân.
Một viên quan gọi là môi sĩ (hay môi sư: mei che) hoặc cao môi tuyên bố
rằng trai gái được phép tự do hội họp với nhau. Thanh nam thiếu nữ từ 15
tuổi trở lên họp với nhau thành từng nhóm hay từng cặp, ra những chỗ
ngoài đồng mà tục lệ đã định trước, để cùng nhau ca hát, tỏ tình, giao hợp ở
giữa trời[9]. Cả mùa xuân và mùa hè, họ được tự do ái ân như vậy, qua thu
đông thì bị cấm. Tới mùa thu nếu thiếu nữ có mang thì cặp trai gái làm lễ
cưới nhau (có thể mời môi sĩ làm chủ lễ), và cô dâu về nhà chồng. Có
chồng rồi thì mùa xuân họ không ra đồng hát nữa.
Nếu mùa thu, thiếu nữ không có mang, thì mùa xuân sau họ lại đi hát với
chàng trai cũ hay một chàng trai nào khác, tuỳ ý. Nam được phép "chơi
xuân" theo cách đó tới 30 tuổi, nữ tới 20 tuổi. Và hễ thành gia thất rồi thì
thôi, họ không đi hát nữa.
Trong Kinh Thi, phần Quốc phong (gồm ca dao trong dân gian của các
nước) có một số bài chép về tục đó, chẳng hạn bài Đông môn chỉ văn (cao
dao của nước Trần) mà tôi trích dưới đây bốn câu do Tạ Quang Phát dịch
(Thi kinh tập truyện - Sài Gòn 1969):
...Chọn tìm buổi sáng tốt lành,
Phương nam đồng phẳng để dành hội nhau.
Gai thời chẳng kéo dệt đâu,