Nhà Chu chỉ thịnh được trong khoảng trăm năm đầu, rồi từ đời Mục vương
thế kỷ X trước tây lịch, các vua đều tầm thường, tới đời vua thứ 12, U
vương (thế kỷ VIII TrCN) thì vào hạng Kiệt, Trụ, vì mê nàng Bao Tự, bị rợ
Khuyển Nhung ở phía tây vào chiếm kinh đô rồi giết[13], chư hầu lập con
là Bình vương lên thay.
Bình vương sợ bị rợ phía tây tấn công nữa, năm 770 TrCN dời đô sang phía
đông, tới Lạc Ấp, nơi Vũ vương đã cho lập một thị trấn để dời một số dân
nhà Thương lại đó vì ngại họ nổi loạn.
Từ đây bắt đầu thời Đông Chu, và cũng bắt đầu thời suy vi của chế độ
phong kiến.
Chế độ này tuy có ưu điểm như tôi đã kể nhưng cũng có nhược điểm.
- Nó không thể vững lâu được vì phải dựa vào quyền của thiên tử nhà Chu.
Mà nhà Chu thì phải cắt dần đất đai phong cho các vương hầu công khanh
nên mỗi ngày một hẹp lại, trông vào sự cống hiến của chư hầu thì không
được bao nhiêu, vì danh nghĩa còn phải giúp lương thực cho chư hầu những
năm họ mất mùa hoặc có chiến tranh, do đó càng ngày càng nghèo đi.
Chư hầu trái lại, ở xa kinh đô nhà Chu, tự ý mở mang đất đai, thôn tính kẻ
yếu ở chung quanh, hùng cứ một phương. Vì vậy số bộ lạc cứ giảm dần từ
1600 xuống 1000, 500... 100, mà các chư hầu hùng cường đất đai mỗi ngày
một rộng, gấp năm gấp mười thiên tử. Những chư hầu nhỏ bị chư hầu lớn
ức hiếp, cầu cứu với thiên tử, thiên tử không cứu nổi, thế là chế độ chỉ còn
có cái danh mà không có cái thực.
- Một lẽ nữa là đế quốc rộng quá, sự cai trị khó quá. Các chư hầu lo giải
quyết những khó khăn của chính họ, khuếch trương thế lực của họ, không
quan tâm tới chính quyền trung ương nữa, không biết tới thiên tử nữa.
Do những lẽ kể trên mà nhà Chu ở Lạc Dương mỗi ngày một thu nhỏ lại,
nhà vua chỉ còn cái danh là thiên tử, mất hết quyền hành, không có quân
đội, tuy khỏi lo bị các rợ xâm chiếm vì có các chư hầu ở Bắc và Tây che
chở, nhưng lại phải tuỳ thuộc bọn chư hầu hùng cường đó, có khi chính họ
đặt mình lên ngôi thiên tử nữa để thi hành mỗi một chức vụ là tế Trời, Đất
mỗi năm và lâu lâu đóng một vai trò trọng tài bất lực và bất đắc dĩ trong
những vụ xung đột nhỏ giữa các chư hầu. Triều đình nhà Chu chỉ có một số