Xuân Thu, nhưng theo Từ Hải thì Tần mới bắt đầu bỏ phép đó từ năm 350
TrCN. Mạnh Tử đi chu du các nước khuyên các vua chư hầu dùng trở lại
phép tỉnh điền, nhưng không ai theo: lỗi thời rồi. Thấy phương tiện làm
giàu được thì ai mà chẳng muốn làm giàu. Nhà cầm quyền cũng muốn cho
dân giàu, dân có giàu thì mới thu thuế được nhiều mà nước mới mạnh.
Công việc thủy lợi: đào kênh dẫn nước và tháo nước nhiều vô kể. Nước
Ngô là nước đầu tiên đào những con kênh lớn nối sông Dương Tử với sông
Hoài (486 TrCN), rồi bốn năm sau lại đào nối nó lên tới con sông ở phía
nam Sơn Đông; nước Ngụy noi gương, cũng đào nhiều kênh ở ranh giới Hà
Nam và Hà Bắc, một con kênh nối một hồ lớn với sông Hoàng Hà, một
kênh khác ở miền Khai Phong ngày nay (339 TrCN). Cuối thế kỷ III TrCN,
Tần đào một con kênh lớn ở phía Bắc sông Vị, song song với nó, làm cho
đất canh tác tăng lên rất nhiều, mà Tần trở nên rất giàu.
Những nơi trũng, thấp thì đào sâu thêm, vét, để làm hồ chứa nước. Người ta
đắp đê để chống lụt, xây đập, để đổi hướng của dòng nước, xây cửa cống
để điều chỉnh lưu lượng của một con sông. Công trình thủy lợi lớn nhất thời
đó được làm vào khoảng 300 TrCN ở thượng lưu sông Minkiang (Mân
giang?), một nhánh lớn của sông Dương Tử. Sau khi Tần chiếm được cánh
đồng Thành Đô (Tứ Xuyên); một cái đập lớn ngăn dòng Minkiang bắt nó
chảy vào một hẻm núi đào xuyên qua một ngọn núi. Từ đó Thành Đô thịnh
vượng lên, cày cấy được mà không sợ ngập lụt nữa.
Tới thế kỷ IV và III TrCN, tất cả các nước đều đua nhau phát triển thủy lợi.
Nhờ vậy dân số Trung Hoa tăng lên. Có sách nói rằng dân số thời Xuân
Thu là 20 triệu, khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa rồi, được 40 triệu, đời
Hán, đầu kỷ nguyên Tây lịch, 60 triệu, đông nhất là miền Tứ Xuyên, Thiểm
Tây. Tứ Xuyên nhờ công việc thủy lợi thành một miền giàu có, lớn bằng cả
nước Pháp, khí hậu tốt, có đủ các nguồn lợi thiên nhiên, đời sau sinh được
nhiều nhân tài.
Công nghiệp, nhờ có sắt mà phát triển mạnh, nhà nào cũng muốn có cày,
dao, búa bằng sắt, chính quyền thì muốn có khí giới bằng sắt.
Thương mại rất thịnh. Hàm Dương ở Tần, Lâm Tri ở Tề, Hàm Đan ở Triệu,
Đại Lương ở Ngụy đều là những thị trấn phát đạt về thương mại, dân chúng