các nơi di cư lại thành một hạng thị dân rất đông. Lâm Tri có tới 300.000
dân. Bọn phú thương có tên tuổi ghi trong sử như Phạm Lãi, Đoan Mộc Tứ.
Họ chẳng những muốn buôn hàng hoá mà còn muốn buôn cả vua nữa như
Lã Bất Vi. Chính bọn đó rất mong muốn thống nhất Trung Quốc để hàng
hoá dễ lưu thông từ miền này qua miền khác, khỏi phải trả thuế khi phải
qua nhiều cửa ải vào một nước khác.
Nông vẫn còn là "bản" (gốc), nhưng công thương không còn là "mạt "
(ngọn) nữa, không còn chủ trương "ức thương" được nữa, vì có nhiều ông
vua thiếu tiền phải vay của họ, nhiều công tử (con vua) khi còn nghèo, làm
con tin phải nhờ họ giúp tiền, giúp sức rồi mới về được nước mà lên ngôi.
Ngoài các thứ tiền đồng mà mỗi miền dùng một kiểu (miền Hà Bắc dùng
một kiểu giống lưỡi, miền Sơn Đông dùng đao tiền - như lưỡi dao - miền
Thiểm Tây dùng đồng tiền tròn có lỗ cũng tròn), người ta còn dùng một thứ
tiền vàng ở nước Sở.
Người ta lập với nhau những giao kèo bằng gỗ hay tre, ghi những lời giao
hẹn của hai bên, rồi chẻ đôi, mỗi bên giữ một nửa, khi ghép lại với nhau
vừa khít thì là đáng tin. Cách đó chính là cách triều đinh dùng phù tiết để
ban lệnh quan trọng cho các tướng ở ngoài mặt trận.
Thương nhân có nhiều tiền thì mua đất của những quý tộc sa sút, và sống
như các quý tộc.
Triều đình nhiều khi phải nhờ họ đi thu thuế ruộng. Họ giàu, dư tiền,
thường mua lúa để trữ, có thể ứng trước một số lúa cho triều đình rồi trừ
vào số lúa họ sẽ thu được. Cách đó lợi cho cả hai bên, nhưng dân góp lúa
cho họ rồi, dần dần phụ thuộc vào họ, và chẳng bao lâu họ có quyền ngang
với những quan lớn nhất của tỉnh, như bọn fermiers généraux (quan trưng
thuế) của Pháp thời trung cổ.
Các thị trấn mỗi ngày một đông, mở rộng ra: Lâm Tri, kinh đô của Tề gồm
7 vạn gia đình, trên 30 vạn dân. Mỗi nghề có một khu riêng: khu đồ gốm,
khu đồ đồng, khu thương mại...; có cả một khu cho bọn mãi dâm nữa,
tương truyền do Quản Trọng lập ra để phục vụ sứ đoàn các nước.
Vòng thành các đồn thời Xuân Thu chỉ dài từ 400 đến 600 mét. Thế kỷ IV
và III TrCN đã có những vòng thành dài ba cây số, như vậy dân trong thành