Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Chương V
Nhà Tần (221 - 206 TrCN)
(Thời của pháp gia)
1. Tần Thủy Hoàng
Ở trên tôi đã nói đời Chiến Quốc có một thương nhân buôn cả vua. Thương
nhân đó, Lã Bất Vi, có một người thiếp đẹp, khi biết nàng bắt đầu có mang
đem dâng nàng cho một công tử của Tần làm con tin ở Triệu. Công tử đó
về Tần làm vua, phong cho Lã làm tể tướng. Sau nàng hầu sinh con trai,
vua Tần cho nối ngôi, tức Tần Thủy Hoàng. Hồi Tần Thủy Hoàng còn nhỏ,
Lã nhiếp chính. Lần đó là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một thứ dân
con buôn được cầm quyền chính như vậy. Không rõ ông ta buôn gì mà mau
giàu như vậy - có lẽ là buôn ngựa - nhưng ông ta có học chút ít, thích bọn
"thi, thư", chủ trương chính sách hoà bình. Lớn lên Tần Thủy Hoàng bãi
chức ông ta mà dùng Lý Tư. Trong thời làm tể tướng, Lã bảo các môn
khách chung nhau soạn bộ Lã Thị Xuân Thu, gần như một sử tư tưởng, học
thuật cuối thời Chiến Quốc.
Tần Thủy Hoàng tư cách tầm thường, tính tình hung dữ, rất tin dị đoan. Các
sử gia đời sau đều theo Khổng học, rất chê ông ta, nhưng các sử gia phương
Tây nhận ông là một trong những vĩ nhân cổ kim. Ông chỉ cầm quyền chưa
đầy mười lăm năm mà làm cho nước Trung Hoa thay đổi hẳn, thống nhất
về mọi mặt, mở mang thêm bờ cõi, thành một đế quốc lớn thời thượng cổ.
Ông cho rằng công đức của mình ngang với Tam Hoàng Ngũ Đế, nên thụ
xưng là Hoàng Đế, hiệu là Thủy Hoàng, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên, và
muốn cho con cháu đời sau lấy danh hiệu: nhị thế, tam thế... cho đến vạn
thế. Những danh từ xưng hô như trẫm, bệ hạ, đều do ông đặt ra.