quyền mua. Chế độ đó gọi là danh điền, tạo nên một giới địa chủ; bọn đại
địa chủ có những cơ sở rất lớn và dần dần thành một giai cấp có quyền
hành tương tự như các chư hầu nhỏ thời trước, hoặc các lãnh chúa bên châu
Âu thời trung cổ.
Năm hay mười nhà họp nhau thành một liên gia, chịu chung trách nhiệm
với nhau. Chế độ đó đem áp dụng ở khắp Trung Hoa cho tới đầu đời Hán.
Tráng đinh nào cũng phải đi lính tới già. Gia đình nào có ba người đàn ông
thì phải chia làm hai hộ. Hình luật tàn khốc hơn thời trước nhiều.
4. Thống nhất văn tự, đồ đo lường, tư tưởng
Thời Chiến Quốc, mỗi miền có một ngôn ngữ, người nước Yên không hiểu
tiếng nước Sở, người nước Triệu không biết tiếng nước Việt - mà ngày nay
cũng còn tình trạng người Quảng Đong ít học không hiểu nổi tiếng Bắc
Kinh - Một viên quan Tần phải đi cai trị một nước khác, không hiểu ngôn
ngữ nước đó thì khó làm tròn nhiệm vụ được. Ngay đến chữ viết cũng vậy.
Những gì thiên tử nhà Chu thông báo cho các chư hầu đều viết bằng thứ
chữ đại triện; nhưng thứ chữ đó không phổ biến và kẻ sĩ các nước thường
dùng một lối chữ khác.
Vì vậy tể tướng Lý Tư nghĩ tới việc thống nhất ngôn ngữ và văn tự. Chúng
ta không biết ông thống nhất ngôn ngữ ra sao; về văn tự thì ông giản dị hoá
lối đại triện, quy định một lối viết khác gọi là tiểu triện, và lối này thành
thông dụng trong toàn cõi Trung Hoa.
Ông lại thống nhất các đồ cân, lường (cả nông cụ, cày bừa...), như vậy để
dễ tính thuế và thu thuế. Thuế trả bằng lúa, phải dùng thuyền, xe chở lại các
quận và kinh đô. Cho nên lại phải thống nhất khoảng cách giữa hai bánh xe
(xe đồng quy), nếu không thì những xe quá lớn vào những đường nhỏ