Yên ở phương bắc rồi, ông sai Đồ Thư đi đánh lấy Bách Việt, tức các tỉnh
Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, và một phần Bắc Bộ nước ta, thời
đó gọi là Âu Lạc (An Dương Vương).
Vậy Thủy Hoàng đã lập được một đế quốc lớn vào bậc nhất thế giới và
người phương Tây, do những thương nhân chở lụa sang bán, đã biết danh
nhà Tần, gọi Trung Hoa là nước Tần.
Chỉ trong mười mấy năm Thủy Hoàng thực hiện được bấy nhiêu công trình
về nội trị, tổ chức hành chính, thống nhất ngôn ngữ, văn tự..., xây cất, đắp
đường, mở mang cương vực, đáng gọi là vĩ đại.
Nhưng dân chúng đã phải cực khổ biết bao. Dân Tần vốn còn bán khai, gần
như dã man, hung hãn, không có văn học, nghệ thuật (tới năm 237 TrCN
mà trong các buổi tế lễ, vẫn còn dùng nhạc cụ rất thô sơ là những vò bằng
đất), có thể chịu được sự thiếu thốn, lao khổ vì họ quen rồi, còn dân lục
quốc đã văn minh, rất uất hận dưới ách của Tần mà họ coi như mọi rợ, chỉ
chờ cơ hội để nổi dậy. Đó là một nguyên nhân khiến Tần rất mau suy vong.
7. Thủy Hoàng chết - Nhị Thế lên thay
Trong một cuộc kinh lý, Tần Thủy Hoàng đã bị Trương Lương (Tử Phòng)
[3] thuê võ sĩ đón đường ám sát hụt ở Bác Lãng Sa. Trong một cuộc kinh lý
sau, năm 210 TrCN, ông bị bệnh, chết ở dọc đường, người ta phải chở lén
thi thể ông về Hàm Dương, rồi mới tuyên bố cho dân biết, và chôn Thủy
Hoàng trong một ngôi mộ đã xây sẵn ở Ly Sơn. Trong mộ chứa rất nhiều
châu báu, có một bản đồ của một trăm con sông, trên đó sông Hoàng Hà,
sông Dương Tử và biển Đông đều bằng thuỷ ngân. Hầm mộ ngà đêm đều
thắp đèn đốt bằng dầu cá, một loại cá đặc biệt giống hình người. Quan tài