hạ rồi, người ta nấu đồng để gắn phần mộ và đặt một cái máy để hễ có kẻ
nào lén vào đào mả thì sẽ bị những mũi tên từ mọi chỗ phát ra tự động bắn
vào. Tương truyền lăng đó do 70 vạn người xây cất trong nhiều năm.
Thủy Hoàng băng rồi, thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao làm di
chiếu giả, không lập thái tử Phù Tô mà lập thứ tử Hồ Hợi lên ngôi, tức Nhị
Thế Hoàng Đế (Hoàng đế đời thứ nhì).
Nhị Thế cũng hà khắc, tàn nhẫn như cha, giết nhiều vương tử, đại thần. Lý
Tư bị Triệu Cao ghét, dèm pha, Nhị Thế giết cả ba họ (họ cha, họ mẹ, họ
vợ) của Lý. Sau Triệu Cao lại giết Nhị Thế (207 TrCN), lập con Phù Tô,
tên Anh, lên thay. Vương tử Anh (hay Tử Anh) lên ngôi rồi giết Triệu Cao,
tiếp theo là Tần mất nước. Nhà Tần trước sau chỉ được mười bốn năm, từ
vua tới đại thần, không người nào không bất đắc kỳ tử. Thời của Pháp gia
thật ngắn ngủi và hết sức bi thảm. Nhưng phải thừa nhận rằng họ có công
thống nhất Trung Quốc.
8. Nhà Tần chấm dứt - Hạng Vũ và Lưu Bang
Thủy Hoàng vừa mới chết là các anh hùng ở thảo dã nổi lên. Chỉ trong vài
tháng, có sáu cuộc nổi loạn, đáng kể là Trần Thắng ở đất Kỳ (An Huy ngày
nay), một nông dân đầu tiên phất cờ khởi nghĩa, nhưng sớm thất bại; rồi tới
Hạng Tịch (cũng gọi là Hạng Vũ) ở đất Ngô (Giang Tô) và Lưu Bang ở đất
Bái (cũng trong tỉnh Giang Tô ngày nay);
Hạng Vũ là dòng dõi tướng nước Sở, Lưu Bang ở trong giới bình dân.
Hạng Vũ không có học, nhưng có sức mạnh (nhấc nổi cái đỉnh nặng 500
cân), giỏi chiến thuật, đáng gọi là anh hùng. Lưu Bang cũng gần như vô
học, làm đình trưởng (một chức nhỏ trong làng) cho Tần, tham tài, hiếu sắc,