không ai dám nói như vậy.” Dù giải thích thế nào, Amos cũng thực sự là
một thiên tài.
Song với tính khiêm nhường, Tversky cho rằng hầu hết các khám phá về
kinh tế của ông chỉ được “giới kinh doanh quảng cáo và buôn bán xe hơi
cũ” biết đến. Chẳng hạn, ông nhận thấy khách hàng thường không hài lòng
khi cửa hàng bán lẻ tính thêm phụ phí vì thanh toán bằng thẻ tín dụng,
nhưng lại mừng ra mặt khi được cửa hàng chiết khấu vì thanh toán bằng
tiền mặt. “Khung” lựa chọn về thưởng, phạt đã ảnh hưởng sâu sắc đến
quyết định của con người. Trong một nghiên cứu khác, Tversky nhận thấy
khi xem xét rủi ro của quá trình điều trị bệnh nhân, các thầy thuốc sẽ nhận
được phản ứng rất khác nếu họ cho bệnh nhân biết xác suất sống là 99% và
xác suất chết chỉ là 1%.
Kahneman, Tversky cùng các đồng nghiệp Richard Thaler, Paul Slovie,
Thomas Gilovich, Colin Camerer và nhiều người khác đã lập ra một
chương trình nghiên cứu về cơ sở của nhận thức dẫn đến việc con người
phạm rất nhiều sai lầm trong quá trình tư duy và ra quyết định. Nhóm
nghiên cứu nhận thấy các “đánh giá dựa trên kinh nghiệm” mà họ gọi là
“lối tắt của tư duy” hay đơn giản hơn là “quy tắc ngón tay cái” đã định hình
suy nghĩ của con người, đặc biệt là suy nghĩ về tiền bạc.
Giả sử bạn làm việc tại văn phòng tuyển sinh của một trường đại học và đọc
được đoạn miêu tả về thí sinh trong thư giới thiệu như sau:
Tom W. là người rất thông minh dù thiếu tính sáng tạo thực sự. Em ưa thích
sự ngăn nắp, gọn gàng đến từng chi tiết. Lối hành văn của em khá tẻ nhạt và
máy móc, chỉ thỉnh thoảng mới có chút sống động nhờ lối chơi chữ cổ lỗ
hoặc vài hình ảnh kiểu khoa học viễn tưởng. Em có nỗ lực thi đua rất lớn,
nhưng lại ít cảm thông và ngại giao tiếp với người khác. Dù tự cho mình là
trung tâm, em vẫn có ý thức đạo đức rất tốt.