Kahneman và Tversky đưa tình huống này cho ba nhóm tham gia thí
nghiệm. Một nhóm được hỏi Tom W. phù hợp với ngành học nào nhất trong
chín ngành đào tạo của trường: quản trị kinh doanh, tin học, kỹ thuật, nhân
văn/giáo dục, luật, quản trị thư viện, dược, sinh học/thể chất và khoa học xã
hội. Hầu hết các thành viên trong nhóm này cho rằng Tom W. phù hợp nhất
với ngành kỹ thuật và kém phù hợp nhất với ngành khoa học xã hội. Nhóm
thứ hai được yêu cầu tính xác suất Tom W. trở thành sinh viên ở một trong
các ngành học trên. Các xác suất nhóm này đưa ra có tỷ lệ tương ứng với
nhận xét của nhóm trên. Nhóm thứ ba được yêu cầu ước lượng tỷ lệ sinh
viên năm thứ nhất ở cả chín ngành học. Các nhà nghiên cứu nhận thấy: dù
dựa vào kết quả của nhóm thứ ba, các đối tượng tham gia thí nghiệm đều
biết số sinh viên ngành khoa học xã hội nhiều hơn hẳn ngành kỹ thuật, do
đó xác suất Tom W. trở thành sinh viên kỹ thuật sẽ thấp nhất, họ vẫn cho
rằng Tom W. sẽ trở thành kỹ sư dựa trên những gì lá thư miêu tả.
Tversky và Kahneman gọi đây là sai lầm đại diện, theo đó “một sự việc
được đánh giá có khả năng xảy ra trong phạm vi nó thể hiện các đặc tính cơ
bản của mẫu hoặc của quá trình phát sinh.” Tổng quát hơn, “khi phải thực
hiện những việc khó khăn như đánh giá xác suất hoặc tần suất, con người
thường dùng một số kinh nghiệm hạn chế nhằm rút gọn các đánh giá xuống
mức giản đơn hơn.” Chúng ta rất hay kể chuyện về người khác và thường
thu gom thông tin từ các câu chuyện đó để về sau đưa ra các quyết định
nhanh chóng.
Ngược lại, chúng ta không giỏi tính toán các xác suất hoặc suy luận khả
năng một sự việc nào đó xảy ra. Bây giờ, bạn hãy tưởng tượng mình đang
cần tuyển nhân sự cho công ty và xem xét ứng viên sau đây:
Linda 31 tuổi, độc thân, thẳng tính và rất thông minh. Cô học chuyên ngành
Triết. Khi còn là sinh viên cô rất quan tâm đến các vấn đến về phân biệt
giới và công bằng xã hội, đồng thời từng tham gia vào các cuộc biểu tình
chống vũ khí hạt nhân.