Tuy nhiên tất cả trực giác, giải thích duy lý và chuyên môn của họ đều đã bị
đánh lừa. Nguyên nhân là: người chơi có một phần ba cơ hội chiến thắng
trước khi bất cứ cánh cửa nào được mở ra, nhưng một khi Monty tiết lộ một
cánh cửa không có chiếc xe hơi, người này có hai phần ba cơ hội chiến
thắng bằng cách đổi cửa. Tại sao vậy? Có ba tình huống xảy ra với các cánh
cửa (1) xe, dê, dê; (2) dê, xe, dê; (3) dê, dê, xe. Trường hợp (1), chiếc xe ở
đúng vào cánh cửa anh ta đã chọn, nếu đổi cửa anh ta sẽ thua. Trong trường
hợp (2) và (3), đổi cửa sẽ giúp người chơi chiến thắng. Một cách lý giải
khác cho bài toán xác suất khá phi trực giác này: giả sử số cửa là 100 chứ
không phải ba; người chơi chọn cửa số 1 và Monty sẽ mở tất cả các cửa từ
số 2 đến 99 – toàn là dê. Bây giờ anh ta có nên đổi không? Tất nhiên là có
vì cơ hội chiến thắng của anh ta đã được nâng từ 1% lên 99%.
Trong quá trình tiến hóa, quy luật số nhỏ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự tồn
tại của chúng ta, dù chúng ta tiếp xúc với người thân, đồng minh hay mãnh
thú. Quy luật này được nắm bắt và vận dụng không phải qua xác suất mà
qua những câu chuyện gắn liền với ý nghĩa cá nhân. Ba trăm SKUs của
người Yanomamö là cả một thế giới những vật dụng quý giá – chúng gắn
liền với những người dân trong thị tộc, và vì thế gắn liền với những câu
chuyện. Để hiểu được hành vi trong nền kinh tế hiện đại, chẳng hạn việc
nhặt một túi khoai tây chiên từ kệ hàng, chơi bài trong sòng bạc, giao dịch
chứng khoán tại Phố Wall, chúng ta cũng nghĩ đến những câu chuyện mang
ý nghĩa cá nhân. Thật không tự nhiên và không chính xác nếu nghĩ đó đều
là các xác suất và cho rằng con người luôn tính toán hợp lý để đưa ra lựa
chọn kinh kế.
Thí dụ, giả sử bạn là một chuyên gia về bệnh lây nhiễm của Trung tâm
phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, và được biết tại Mỹ sắp bùng nổ một bệnh
dịch Châu Á ước tính sẽ cướp đi mạng sống của 600 người. Các chuyên gia
đưa ra hai chương trình đối phó với bệnh dịch:
Chương trình A: Cứu được 200 người.