Thẻ tín dụng đã “đóng khung” tiền mặt vào một hạng mục tính toán tinh
thần khác vì nó dễ tiêu dùng hơn. Các giáo sư marketing Drazen Pelec và
Duncan Simester tại Học viện Công nghệ Massachusetts đã kiểm tra quy
luật này bằng cách tổ chức một cuộc đấu giá kín vé xem đội bóng rổ Boston
Celtics thi đấu. Một nửa số người tham gia nhận được thông báo nếu họ
chiến thắng họ sẽ phải trả tiền vé bằng tiền mặt, trong khi một nửa được
thông báo nếu họ chiến thắng họ có thể trả bằng thẻ tín dụng. Kết quả, mức
giá bên trả tiền mặt đưa ra chỉ bằng một nửa bên trả bằng thẻ tín dụng.
Giả sử bạn được mời tham gia một vụ cá cược với xác suất thắng 95 đô-la
là 10% và xác suất mất 5 đô-la là 90%. Bạn có chấp nhận tham gia không?
Đa số mọi người đều nói không với tình huống này. Nhưng chính những
người đó lại trả lời hoàn toàn khác nếu nội dung vụ cá cược được diễn đạt
lại như sau: Bạn có sẵn sàng bỏ ra 5 đô-la để mua vé số với xác suất giành
được 100 đô-la là 10% và xác suất không giành được gì là 90%. Đáng chú
ý, những người từ chối ở trường hợp đầu tiên lại chấp nhận tham gia ở
trường hợp thứ hai. Kahneman và Tversky lý giải điều này bằng sự khác
biệt trong cách tính toán: “Coi năm đô-la là một khoản chi phí sẽ dễ chấp
nhận hơn coi đó là khoản tổn thất.” Tại sao khả năng làm việc với tiền bạc
của não bộ chúng ta lại tồi đến vậy? Câu trả lời ngắn gọn là: do trực giác
kinh tế. Bộ não người không được tiến hóa để đánh đồng lập tức các hàng
hóa có giá trị tương đương với giá trị biểu hiện bằng tiền của chúng. Sự
logic không giống nhau nên sự phi logic chiếm ưu thế.
Hãy xem xét thí nghiệm chọn lọc Wason (đặt theo tên Peter Wason, người
tiến hành thí nghiệm này năm 1966) với mục đích kiểm tra khả năng duy lý
về biểu tượng. Trước mặt bạn có bốn lá bài, mỗi lá đều in một mặt chữ cái
và một mặt chữ số. Hai lá bài lật mặt số lên còn hai lá bài lật mặt chữ lên,
thí dụ như sau:
M 4 E 7