và ngắn ngủi. Song nếu đảo ngược chiều cỗ máy thời gian và đưa một
người sống ở thời Trung Cổ, thời Cận Đại, hay thậm chí ở đầu cuộc Cách
mạng Công nghiệp đến thế giới của chúng ta ngày nay, hẳn đó sẽ là một
cảnh tượng mà không một thước đo sự thịnh vượng nào có thể vẽ nên được
– thế giới đã thay đổi quá nhiều so với thời nó chỉ được thắp sáng bằng ánh
lửa. Vào thời đó, chỉ một phần rất nhỏ loài người được hưởng điều kiện
sống tương đối tiện nghi, trong khi đại đa số còn lại phải vật lộn trong dơ
dáy, nghèo đói, sinh ra những đứa con chết yểu trước tuổi thành niên, và
chính họ cũng sẽ từ giã cõi đời ở tuổi bốn mươi. Nhiều người trong số họ
chưa bao giờ rời khỏi quê hương, và nếu có thì cũng chỉ bằng cách đi bộ
hay cưỡi ngựa – thời Napoleon quân đội hành quân cũng không nhanh hơn
so với thời Ceasar hay Alexander. Không một ai – kể cả giới quý tộc, đế
vương, tăng lữ giàu có và quyền uy nhất cũng không có diễm phúc được
hưởng tiện ích của những công nghệ thông dụng và hệ thống y tế công cộng
mà ngày nay chúng ta thấy quá đỗi bình thường. Những người thời đó sẽ
hình dung ra sao về việc một người bình thường ngày nay có thể lao vun
vút trong không trung với tốc độ 600km /giờ trong một chiếc ống kim loại,
vừa bay xuyên lục địa vừa thưởng thức một bản giao hưởng của Mozart hay
một vở kịch của Shakespeare với âm thanh sắc nét không kém gì phòng hòa
nhạc phát ra từ những chiếc tai nghe bé xíu, trong khi vẫn có thể gõ chữ
trên những chiếc máy tính xách tay dùng pin sạc nhiều lần và nói chuyện
với ai đó qua một chiếc máy bỏ túi mỏng như miếng bánh từ độ cao 11 km
so với mặt đất! Quả là một cú sốc tương lai khi nhìn từ quá khứ!
Song, dù được hưởng cuộc sống giàu sang và tiện nghi đến đâu, bằng mọi
biện pháp đánh giá mức độ an vui chủ quan (Subjective Well-Being –
SWB), con người ngày nay cũng không hạnh phúc hơn nửa thế kỷ trước.
Điều này thường được gọi là Nghịch lý Mỹ, Nghịch lý của sự phát triển,
hay Nghịch lý của lựa chọn. Riêng tôi gọi nó là sự bất tương liên của hạnh
phúc. Nhưng dù gọi tên nó ra sao, hiện tượng này là có thật và cần được
giải thích bằng những nghiên cứu cặn kẽ hơn về hạnh phúc.