Tự nguyện là sản phẩm của sự tính toán thần kinh. Trong cuốn sách này, tôi
đã lập luận rằng các trạng thái của tâm hồn, thí dụ như cảm xúc, đại diện
hiệu quả cho các phép tính được quá trình tiến hóa thực hiện từ thời đồ đá,
giúp chúng ta không cần phải tự tính toán. Theo ý nghĩa này, sự tự nguyện
có thể đại diện cho phép tính lựa chọn. Đưa ra lựa chọn là một quá trình
thần kinh thực sự nhằm chọn ra các hành vi có ích cho sự sinh tồn như tránh
động vật ăn thịt, dự trữ thức ăn, chọn bạn tình, thắt chặt tình bạn, tìm kiếm
địa vị xã hội... Do đó, việc lựa chọn các hành vi ảnh hưởng trực tiếp tới sự
sinh tồn và duy trì nòi giống trong lịch sử tiến hóa của chúng ta có thể đã
mở đường cho sự tiến hóa của cấu trúc bộ não, đem lại cảm thức tự nguyện,
cảm giác tự do, cảm xúc mong muốn. Sống trong một thế giới với quá
nhiều phương án lựa chọn, bằng sự phức tạp và tinh vi, bộ não đã xây dựng
bên trong nó một mô-đun đưa ra lựa chọn, khiến chúng ta luôn thấy tự do,
dù được tự do thật sự hay bị các yếu tố khác chi phối.
***
Vấn để chủ nghĩa gia trưởng nảy sinh trực tiếp từ các nghiên cứu về mức độ
an vui chủ quan và hạnh phúc. Nếu mục tiêu của xã hội là tạo ra nhiều hạnh
phúc nhất cho nhiều người nhất, các thể chế công và tư nên hoạch định
chính sách tới mức nào để giảm thiểu tội ác và nâng cao đạo đức? Các
nghiên cứu chỉ rõ tiền không khiến con người hạnh phúc hơn trừ phi họ
sống dưới mức nghèo đói, điều này có biện minh cho một dạng phúc lợi
hạnh phúc để đảm bảo mọi người tối thiểu thoát khỏi nghèo đói? Tương tự,
khoa học cho thấy thông thường, những người có gia đình hạnh phúc hơn
những người li dị hay độc thân, vậy chính phủ có nên tăng cường áp dụng
một loại thuế li hôn để khuyến khích người dân tham gia vào thể chế xã hội
này? Những người có công việc thú vị có xu hướng hạnh phúc hơn những
người thất nghiệp, điều này có chứng tỏ chính phủ nên đưa ra các chương
trình tạo việc làm? Những người theo tôn giáo hạnh phúc hơn những người
ngoại đạo, vậy nhà nước có nên đề ra chính sách thuế để khuyến khích tôn
giáo?