SỰ TUYỆT CHỦNG CỦA CON NGƯỜI KINH TẾ - Trang 297

Theo nhà kinh tế học Richard Layard tại Trường Kinh tế London, các chính
sách gia trưởng đó được biện minh bằng nghiên cứu khoa học. Sử dụng các
khám phá trong kinh tế học hành vi, kinh tế học thần kinh và các ngành
khoa học có liên quan cho biết điều gì khiến con người hạnh phúc và tại
sao, Layard kết luận chính phủ nên can thiệp sâu hơn vào việc điều chỉnh
cuộc sống cá nhân của các công dân. Vì hút thuốc và uống rượu không tốt
cho sức khỏe, chính phủ nên tăng thuế vào các hành vi đó bằng cách thông
qua nhiều hơn các sắc “thuế tội lỗi.” Vì sự chênh lệch lớn về tài sản giữa
người giàu và người nghèo khiến những người có thu nhập thấp cảm thấy
họ không bao giờ xóa bỏ được khoảng cách, điều này biện minh cho sự gia
tăng mức thuế đánh vào người giàu để phân phối lại của cải và hạn chế tâm
lý tranh giành. Các nghiên cứu chỉ rõ chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi giúp
đỡ người nghèo và yếu kém về mặt trí tuệ, vì thế chính phủ nên đưa ra các
biện pháp khuyến khích nhiều người làm từ thiện hơn. Thất nghiệp làm
giảm hạnh phúc đáng kể nên chính phủ cần hành động để giảm thiểu tỷ lệ
thất nghiệp ngay cả khi điều đó đòi hỏi thiết lập một chương trình nghị sự
của chính phủ chỉ vì mục đích này. Các nhà tâm lý học đã chứng tỏ các
quảng cáo thương mại quá đà sẽ khiến trẻ em mong muốn những thứ vật
chất thực sự không cần thiết cho một tuổi thơ trọn vẹn, do đó các hoạt động
quảng cáo như vậy nên bị cấm. Hơn nữa, Layard cho rằng chính phủ nên
khuyến khích thể hiện tinh thần gia đình-bạn bè trong công việc, trợ giúp
các hoạt động thúc đẩy tinh thần xã hội và đưa vào chương trình giảng dạy
tại các trường công khóa học đạo đức thường niên K-12 để giáo dục các
quy tắc đạo đức, thực hành tính cảm thông, tầm quan trọng của việc giúp đỡ
người khác, các kiểu vai trò, kiểm soát cảm xúc, làm cha mẹ, bệnh lý tinh
thần và cách trở thành công dân tốt. “Điều này có nghĩa chúng ta nên đánh
giá chính sách xã hội theo cách thức nó làm tăng hạnh phúc và giảm sự đau
khổ của con người,” Layard đề xuất. Ông trích dẫn một nghiên cứu chỉ rõ
“thu nhập cận biên làm tăng hạnh phúc càng lúc càng ít hơn khi người ta trở
nên giàu có.” Từ đó, ông kết luận: “Đây là lập luận truyền thống cho việc
đánh thuế phân phối lại, đã được các nghiên cứu hạnh phúc hiện đại khẳng
định.” Một thế giới mới tươi đẹp!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.